Cơ sở vật chất các trường Đại học, Cao đẳng công lập: Thiếu đất, thiếu quy hoạch

- Thứ Tư, 03/11/2010, 00:00 - Chia sẻ
Lần đầu tiên một cuộc khảo sát thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo tại các trường ĐH, CĐ công lập được Bộ GD-ĐT tiến hành trên toàn quốc. Trong tổng số 332 trường ĐH, CĐ công lập, Bộ chỉ nhận được báo cáo từ 196 trường, nhưng kết quả là đáng báo động.

04-thieu-dat-30710-300.jpg

Thiếu đất, thiếu quy hoạch

Theo kết quả khảo sát, bình quân diện tích (DT) đất cho sinh viên (SV) trong các trường ĐH, CĐ công khoảng 35,7m2/SV - rất thấp so với tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành là từ 55 - 85m2/SV, trong khi tiêu chuẩn này có từ năm 1985. Mặt khác tiêu chuẩn về mật độ xây dựng theo quy định chỉ chiếm 20 - 25% diện tích đất dành cho xây dựng của các trường ĐH, CĐ công lập nhưng tỷ lệ này giờ đã chiếm tới 50 - 60%. Đặc biệt, diện tích xây dựng này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của sinh viên bởi diện tích sử dụng khu học tập trung bình trên 1 sinh viên cũng mới đạt khoảng 3,6m2, trong khi tiêu chuẩn thiết kế là 6m2...

Điều lạ nữa là thành phố càng lớn thì tỷ lệ đất dành cho SV càng thấp. Hà Nội chỉ có bình quân DT đất/SV là 13m2, khoảng 40% trường có DT đất/SV dưới 5m2 như: ĐH Xây dựng, ĐH Luật, ĐH Lao động xã hội (dưới 1m2/SV)... Tại TP Hồ Chí Minh, DT bình quân/SV chỉ đạt 10m2, trong đó 30% số trường đạt dưới 5m2/SV, như: ĐH Kinh tế (0,54m2/SV), ĐH Giao thông vận tải (3,25m2/SV)...

Đó là chưa kể khu học tập dành cho SV xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều trường phải đi thuê mượn cơ sở bên ngoài, có gần 6% trường phải đi thuê giảng đường. Dù là trường công lập nhưng khu hiệu bộ và hành chính của một số trường vẫn phải đi thuê, DT trung bình của khu này cũng thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn (tiêu chuẩn là 1,5m2/SV nhưng các trường mới chỉ đạt 0,5m2/SV). Tình trạng thiếu đất dẫn đến việc quy hoạch các khu chức năng cần có (khu thể thao, nội trú) của các trường ĐH, CĐ bị phá vỡ. Hiện chỉ 36% các trường ĐH, CĐ có nhà thể thao.

Bài toán nan giải

Trong tổng số 196 trường ĐH, CĐ, chỉ 172 trường có thư viện truyền thống, chiếm 87%. Với con số này, Bộ GD-ĐT đánh giá: “Có thể nói, đây là tình trạng báo động đối với giáo dục ĐH, trong khi các trường ĐH trên thế giới luôn coi thư viện là linh hồn, là trái tim của một trường ĐH”. Mức độ đáp ứng nhu cầu đọc của SV cũng rất thấp. Tính trung bình, 21,2 SV mới có 1 chỗ ngồi! Đó là chưa kể diện tích sử dụng trung bình của thư viện cho 1 SV rất thấp (0,18m2), so với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành là 0,5m2. Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 196 trường ĐH, CĐ chỉ 39,3% trường có thư viện điện tử.

Báo cáo của Bộ GD - ĐT cũng cho thấy, số lượng phòng thí nghiệm còn xa mới đạt yêu cầu, diện tích sử dụng trung bình của phòng thí nghiệm cũng rất thấp, khoảng 0,53m2/SV, so với tiêu chuẩn hiện hành là 1,4m2/SV. Chất lượng phòng thí nghiệm cũng đáng báo động như: chỉ có 15,5% được trường đánh giá đạt về mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, tập trung chủ yếu ở một số trường ĐH đầu ngành; 22,5% được đánh giá có chất lượng các thiết bị tốt. Đặc biệt, chỉ 1,4% phòng thí nghiệm được đánh giá là tương đương chất lượng và công nghệ thiết bị các phòng thí nghiệm của các trường ĐH trên thế giới. Bộ GD-ĐT nhận định: để đáp ứng được nhu cầu thực hành, thí nghiệm của SV theo chương trình đào tạo và với các định mức tiêu chuẩn thì các phòng thí nghiệm hiện nay mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận đã yêu cầu các trường rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch đầu tư mua sắm thiết bị một cách nghiêm túc, đồng thời kiện toàn tổ chức nhân sự để lo về vấn đề xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phục hồi tài sản. Ngành giáo dục - đào tạo cũng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ di dời các trường ĐH tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để tránh lãng phí trong trường hợp một số trường vẫn tiếp tục nhận kinh phí đầu tư từ nhà nước... Tuy nhiên, với vốn đầu tư xây dựng các cơ sở mới, mở rộng khuôn viên, xây dựng các công trình trong khuôn viên của nhà trường (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư) giai đoạn từ nay đến năm 2015 cần khoảng 827.000 tỷ đồng là con số vô cùng lớn. Do vậy, dù ngân sách nhà nước dành cho phát triển giáo dục - đào tạo có thể tiếp tục tăng trong vài năm tới nhưng chắc chắn sẽ khó đủ khả năng đáp ứng yêu cầu như đã dự báo. Vì vậy, bài toán bất cập về cơ sở vật chất của các trường ĐH, CĐ công lập vẫn khó có lời giải.

Lý Hà