Vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước

Có thể bị phạt tới 50 triệu đồng

- Thứ Tư, 17/07/2019, 08:17 - Chia sẻ
Theo Nghị định số 63/2019/ NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành, từ ngày 1.9 tới, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước có thể bị phạt từ 1 - 50 triệu đồng. Trong đó, mức phạt cao nhất (30 - 50 triệu đồng) áp dụng cho hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 11.7, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước (KBNN). Nghị định 63 có hiệu lực thi hành từ 1.9.2019 và thay thế cho Nghị định 192/2013, Nghị định 58/2015.

Các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực KBNN được quy định tại Chương V, từ Điều 54 đến Điều 64.

Theo đó, phạt 1 - 2 triệu đồng với vi phạm lập hồ sơ, chứng từ gửi KBNN để: chi cho những nội dung, công việc không có trong dự toán được phê duyệt; chi các khoản chi vượt dự toán hoặc kế hoạch vốn năm hoặc vượt dự toán các khoản chi phí được phê duyệt (nếu là các công việc không thông qua hợp đồng); chi các khoản chi sai so với dự toán, chi sai nguồn vốn đầu tư, chi sai danh mục dự án được phê duyệt.

Hành vi lập hồ sơ, chứng từ gửi KBNN để chi thanh toán cho khối lượng công việc chưa thực hiện; chi thanh toán cho khối lượng công việc đang thực hiện dở dang, chưa đủ điều kiện thanh toán; chi thanh toán vượt giá trị hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng bị phạt từ 3 - 6 triệu đồng và buộc phải thu hồi các khoản đã chi.

Đối với hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định (ví dụ chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, chi vượt định mức…) và sai so với hồ sơ, chứng từ gốc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt dao động từ 1 - 6 triệu đồng và cũng buộc thu hồi các khoản đã chi.

Mức phạt cao nhất, từ 30 - 50 triệu đồng, áp dụng cho hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi KBNN để thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi KBNN để thanh toán, chi trả các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên… bị phạt tiền 10 - 15 triệu đồng. Toàn bộ các khoản đã chi từ việc sử dụng hồ sơ, chứng từ giả mạo đều bị buộc thu hồi.

Đối với hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước, sẽ phạt 1 - 2 triệu đồng nếu lập hồ sơ, chứng từ đề nghị KBNN chuyển tiền thanh toán không đúng tên hoặc số hiệu tài khoản đơn vị thụ hưởng đã được ghi trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng. Trường hợp lập hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh toán chi ngân sách nhà nước sai về giá trị hợp đồng; thời hạn, phương thức, tỷ lệ thanh toán… bị phạt 2 - 4 triệu đồng. Nếu vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi và thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước bị phạt từ 1 - 4 triệu đồng. Hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản tại KBNN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt 10 - 15 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định 63, Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố có quyền phạt tiền đến 70 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; Tổng Giám đốc KBNN có quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Như vậy, mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN quy định tại Nghị định 63 có cao hơn so với Nghị định 192/2013 và Nghị định 58/2015.

Vy Hương