Có thể nâng bội chi và nợ công thêm 3 - 4% GDP

- Thứ Tư, 08/07/2020, 05:26 - Chia sẻ
“Không gian tài khóa còn dư địa lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến của ngành tài chính sáng 7.7. Theo đó, Thủ tướng cho rằng có thể nâng bội chi và nợ công thêm 3 - 4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài. “Vấn đề đặt ra là phải có phương án, giải pháp sử dụng vốn hiệu quả”.

Địa phương quyết tâm thực hiện dự toán

Sáng 7.7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước nhằm sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Ảnh minh họa

Nguồn: ITN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và có các phương án điều hành ngân sách tương ứng với kịch bản tăng trưởng. Đến hết tháng 6, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất cho trên 109 nghìn doanh nghiệp và 40 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh, với tổng số tiền hơn 43 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo (khoảng 180 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền quyết định miễn, giảm một số loại thuế, phí và lệ phí với giá trị dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu thô thế giới giảm sâu, kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các khoản thu khác, nên thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm có xu hướng giảm. Tính đến hết tháng 6, tổng thu ngân sách ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; tổng chi ngân sách ước đạt 729,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán.

Theo Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng qua đạt 33,1% dự toán, khá hơn cùng kỳ năm 2019 (đạt 28,6%), trong đó tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 32,82%, vốn ngoài nước đạt 10,24%. Tuy nhiên, so với tổng vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020, bao gồm dự toán chi năm 2020 và dự toán các năm trước chuyển sang, thì tỷ lệ giải ngân 6 tháng mới đạt 28,94%.

Với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, Bộ Tài chính dự báo khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là hết sức khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến cân đối thu - chi ngân sách. Tuy nhiên, đại diện các địa phương - từ các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ cho đến tỉnh còn nhiều khó khăn như Sơn La, Cà Mau - đều không đề nghị điều chỉnh dự toán, đồng thời bày tỏ quyết tâm phấn đấu thực hiện cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh sẽ nhanh chóng đưa vào hoạt động một số dự án lớn là các nhà máy chế biến hoa quả, chế biến sữa nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu cho ngân sách. Cùng với đó, nhiều lãnh đạo địa phương cũng cho biết, sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; vừa tăng cường phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.

Phải giải ngân hết 30 tỷ USD đầu tư công

Ghi nhận quyết tâm của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính và các địa phương không để mất cân đối lớn về thu ngân sách, đồng thời chi ngân sách phải thực sự tiết kiệm, nhất là các khoản chi thường xuyên. Cùng với đó, nghiên cứu sớm trình cấp có thẩm quyền các cơ chế chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế; đề xuất cụ thể về gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục hoãn, giảm, miễn thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như các nước có tỷ lệ nợ công rất cao, mặt bằng lãi suất rất thấp thì nợ công của chúng liên tục giảm và đang ở mức khiêm tốn là 54% GDP. Mặt bằng lãi suất tuy còn cao nhưng tình hình vĩ mô ổn định. Vì vậy, theo Thủ tướng, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm 3 - 4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài. “Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân hết toàn bộ 700 nghìn tỷ đồng (30 tỷ USD) vốn đầu tư năm nay. Thủ tướng gợi ý một số giải pháp như: Nửa tháng họp giao ban một lần về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm tìm nguyên nhân, giải pháp; thành lập các đoàn kiểm tra của Trung ương do một số bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo; kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không làm được.

Đặc biệt, lần này sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công. “Bí thư, Chủ tịch, các giám đốc sở, chủ dự án phải xuống tận các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn. Nếu cứ nói sơ sơ, không phê bình, đấu tranh thì làm sao giải ngân được”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế để không ảnh hưởng đến chỉ số giá. “Chúng ta cương quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%”, Thủ tướng nói.

 

Hà Lan