Điều kiện đăng ký thường trú:

Có tránh được sự tùy nghi?

- Thứ Sáu, 04/09/2020, 18:34 - Chia sẻ
Chiều 4.9, tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu điều hành phiên họp

Bảo đảm điều kiện sống của người dân

Báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Phiên họp thứ 47 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và đa số ý kiến các đại biểu đều nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương. Đây cũng là kiến nghị của các cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ đăng ký, quản lý cư trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương mà Ủy ban Pháp luật đã đi khảo sát.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc đặt ra các điều kiện riêng về đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú. Trong khi đó việc áp dụng các điều kiện đăng ký thường trú riêng như quy định của Luật Cư trú hiện hành vừa qua cũng đã cho thấy chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, hiện nay, quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người thuê, mượn, ở nhờ nhà ở, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thì việc giao Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định nhưng không dưới 8m2 sàn/người để bảo đảm điều kiện sống của người dân, tránh tùy nghi trong quá trình triển khai thực hiện. Đây cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Mỗi địa phương một kiểu? 

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cơ bản đồng tình với nội dung sửa đổi về điều kiện đăng ký thường trú tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang), dự thảo Luật quy định mức diện tích tối thiểu 8m2 sàn/người nhưng lại “giao cho Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định mức sàn tối thiểu ở mỗi địa phương là chưa hợp lý”. Điều này sẽ dẫn tới đa số trường hợp quy định mức sàn tối thiểu để được đăng ký hộ khẩu ở địa phương lớn hơn mức quy định của Luật. Mặc dù “đạt tiêu chuẩn quốc gia nhưng lại không đạt tiêu chuẩn địa phương và chính địa phương lại giới hạn quyền công dân đã được quy định trong việc đăng ký thường trú”. Chỉ ra mâu thuẫn này, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, nên thống nhất trên toàn quốc mức sàn diện tích tối thiểu để đăng ký hộ khẩu thường trú là 8m2 sàn/người. Không nên giao cho Hội đồng Nhân dân các tỉnh tự quy định mức sàn diện tích riêng cho địa phương mình vì dễ dẫn đến tình trạng mỗi địa phương một kiểu. 

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc giải trình tại phiên họp

Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, Bộ Công an thống nhất với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nội dung quy định tại dự thảo Luật đã được thể hiện theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 47. Theo đó, điều kiện đăng ký thường trú với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu để làm đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp và bảo đảm đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội từng đại bàn nhưng sẽ quy định mức tối thiểu không dưới 8m2 sàn/người.

Do vẫn còn ý kiến khác nhau về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Thường trực Ủy ban Pháp luật ngay sau Hội nghị này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan để nghiên cứu kỹ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo thuyết phục và hoàn thiện Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười.

Hồ Long