Kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Đại biểu Nhân dân (5.10.1988 - 5.10.2018)

Còn mãi với thời gian

- Thứ Tư, 03/10/2018, 08:24 - Chia sẻ
Những năm tháng công tác chuyên trách ở HĐND là quãng thời gian tôi có nhiều kỷ niệm thật đẹp khi cộng tác viết bài cho Báo Đại biểu Nhân dân. Thời gian qua đi, nhưng dòng chữ thân thiết Đại biểu Nhân dân luôn còn mãi với thời gian. Thật vui sướng và tự hào khi mình cũng góp một viên gạch nhỏ xây dựng lâu đài thương hiệu cho tờ báo hôm nay.

Niềm hạnh phúc vô bờ

Nhớ ngày đầu đến với Báo Đại biểu Nhân dân như một duyên lành. Thật hạnh phúc khi được Ban biên tập Báo chỉ bảo và hướng dẫn tận tình trong lúc còn lơ ngơ bắt đầu cầm bút. Ban đầu, mỗi bài tôi viết thường hay “ôm đồm”, đưa thật nhiều thông tin vì nghĩ rằng phải đưa đầy đủ các thông tin liên quan đến bạn đọc, bởi vì nó rất chân thực và sống động. Đâu biết rằng, mỗi bài báo chỉ có một diện tích nhất định, phải chắt lọc thông tin mới phản ánh sâu được nội dung cần nhấn mạnh. Vì vậy, các biên tập viên đã phải mất nhiều công sức, sửa chữa, gọt giũa để vừa “khuôn”. Sau một thời gian, từng bài tôi viết dần gọn gàng, sắc nét hơn, có cả “góc cạnh” ở đó... và hàng ngày hồi hộp chờ đợi từng số báo mới, mừng vui khi thấy bài viết về hoạt động của HĐND được đăng. Ngấu nghiến đọc, vừa đọc tôi vừa ghi chép ra những phương pháp hoạt động hay của đồng nghiệp mà mình có thể vận dụng, vừa học tập cách viết của anh chị cộng tác viên khác để rút kinh nghiệm cho lối viết của mình được trau chuốt hơn.

Trong suốt quá trình cộng tác, thật khó diễn tả niềm vui mừng, phấn khởi khi thấy tên mình ngày càng “dày” hơn. Có khi một tháng được đăng hai bài, có lúc phải dùng thêm bút danh khác để đăng. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà cho đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy hồi hộp, xúc động không kém.


Tác giả (thứ hai bên trái) nhận tặng thưởng cộng tác viên xuất sắc Báo Đại biểu Nhân dân năm 2015

Những kỷ niệm khó quên

 Có những đêm đang ngủ, tôi bật dậy; có những bữa cơm đang ăn phải dừng đũa để ghi lại những ý hay, những dẫn chứng cụ thể trong quá trình hoạt động của mình chứng minh nhận định “các địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là giảm hẳn tham nhũng” là vô căn cứ, không có tính thuyết phục. Và thật thiếu hiểu biết khi cho rằng, giảm được tham nhũng khi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động của mình, tôi đã viết nhiều bài nói lên sự cần thiết phải có cơ cấu tổ chức cơ quan quyền lực nhà nước ở các cấp, để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân kể cả bằng trực tiếp và gián tiếp; đồng thời tránh sự lạm quyền, lộng hành... mất dân chủ trong quản lý và điều hành của cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Trải dài theo năm tháng công tác chuyên trách ở HĐND là quãng thời gian có nhiều kỷ niệm thật đẹp trong quá trình viết bài cho Báo. Đó là, kỷ niệm khó quên khi tham gia viết bài đóng góp vào việc tổng kết và sửa đổi Hiến pháp 1992, cụ thể là về Chương IX “chính quyền địa phương”. Xem dự thảo Hiến pháp, chính quyền địa phương không nêu rõ gồm những cơ quan nào. Bản thân tôi có chút suy nghĩ “người dự thảo điều này muốn viết lấp lửng để sau này cụ thể hóa sẽ đưa ý tưởng cắt bỏ cơ chế làm chủ của nhân dân ở một số nơi nào đó”. Như vậy, Luật ban hành sau phải chấp hành Hiến pháp. Sự cố gắng trong việc bảo đảm cơ chế ở đâu có cơ quan quản lý nhà nước, ở đó có cơ quan quyền lực nhà nước được dấy lên, thu hút sự quan tâm của rất nhiều anh chị cộng tác viên viết về vấn đề này. Nhiều ý kiến hay, thiết thực đã có phần tác động không nhỏ trong quá trình thảo luận của kỳ họp QH. Bản Hiến pháp của lòng dân đã ra đời trong niềm hân hoan không chỉ của 500 ĐBQH mà của cả cử tri trên cả nước.

Đó là, kỷ niệm khó quên ở loạt bài viết về việc tổ chức hay không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Đây là thời gian mà tôi đã dành nhiều tâm huyết nhất cho từng bài báo. Mỗi bài viết là sự tổng hợp kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn trong hoạt động của mình, để thuyết phục người đọc về khó khăn, bất cập trong cơ cấu tổ chức của bộ máy cũng như nêu rõ nguyên nhân hoạt động còn hạn chế của hệ thống HĐND không chỉ ở huyện, quận, phường. Đặc biệt, một loạt bài viết chứng minh, phản biện ý kiến cho rằng “các địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là giảm hẳn tham nhũng”. Sau một thời gian, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã ra đời, kết thúc việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. UBND những nơi thí điểm tiếp tục hoạt động đến khi bầu ra chính quyền địa phương ở huyện, quận, phường.

Một kỷ niệm không thể nào quên nữa đó là lần tôi được về dự Hội nghị Cộng tác viên toàn quốc Báo Đại biểu Nhân dân năm 2015 tại Nhà QH mới. Lần đầu tiên được bước chân vào nơi trang nghiêm, uy nghi, lộng lẫy nhưng thật gần gũi bởi sự đón tiếp nồng hậu của các anh chị em trong Tòa soạn. Đặc biệt, hôm ấy tôi được nhận khen thưởng và được đọc tham luận trước diễn đàn. Bước đi từ dưới lên trên trong lòng hân hoan một niềm vui được thể hiện chính kiến của mình cùng hơn 800 anh chị cộng tác viên và đại biểu. Những tràng vỗ tay vang dội giữa và sau bài tham luận tại phòng họp Diên Hồng khiến lòng tôi lâng lâng khó tả...

Cho đến bây giờ, hàng ngày dẫu không còn được đón nhận tờ báo trên tay, năm tháng qua đi, nhưng dòng chữ thân thiết ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi; sắc màu tươi sáng, hình ảnh đẹp của tờ báo luôn cuốn hút tâm hồn tôi. Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Báo Đại biểu Nhân dân cũng là hơn 10 năm tôi tham gia cộng tác viết bài cho Báo. Thật vui sướng và tự hào khi mình cũng góp một “viên gạch” nho nhỏ xây dựng “lâu đài” thương hiệu cho tờ báo hôm nay. Chúc cho Báo Đại biểu Nhân dân ngày càng phát triển, đem lại nhiều lợi ích cho bạn đọc và cử tri.

Phan Thị Kim - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Ngọc Hồi, Kon Tum