Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên

Còn một số nội dung cần được xác định rõ

- Thứ Năm, 10/10/2019, 08:18 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên đã trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy và dự kiến trình QH thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới.

Theo Điều 3 về giải thích từ ngữ của dự thảo Luật thì lực lượng dự bị động viên là một thành phần của Quân đội nhân dân, gồm: Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân (quân nhân dự bị gồm: Sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị).

Không nên quy định lại nội dung đã có ở luật chuyên ngành

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam dành hẳn Chương IV về sĩ quan dự bị với 7 điều. Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng có riêng Mục 4 Chương II về quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong ngạch dự bị với 6 điều và Điều 43 về chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp dự bị. Luật Nghĩa vụ quân sự dành Mục 2 Chương II về phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị với 6 điều và Điều 7 về nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị; Điều 18 về đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị, Điều 45 về trách nhiệm của hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ phải đến đăng ký ngạch dự bị; Điều 51 về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị…

Để phù hợp Khoản 2, Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015(1) thì dự thảo Luật không nên quy định lại những nội dung có liên quan đến quân nhân dự bị đã có ở các luật chuyên ngành, hoặc chỉ nên viện dẫn. Đồng thời, cần thể chế hóa được quan điểm mới của Đảng về lực lượng này; chỉ điều chỉnh việc tổ chức thực hiện các quy định về quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật đã xếp vào các đơn vị dự bị động viên; quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với họ khi được gọi, tập trung đi làm nhiệm vụ.

Làm rõ quan hệ giữa cơ quan nhà nước với chủ sở hữu phương tiện

Do đó, để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ một số vấn đề cơ bản như sau:

Thứ nhất, về quy định “huy động lực lượng dự bị động viên” có tại rất nhiều điều, khoản của dự thảo Luật nhưng không được giải thích về từ ngữ. Qua nghiên cứu có thể hiểu, huy động lực lượng dự bị động viên là việc gọi quân nhân dự bị và điều động phương tiện kỹ thuật đã sắp xếp trong các đơn vị dự bị động viên để bàn giao cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề này cần được cân nhắc, vì theo pháp luật hiện hành, việc“huy động” người hoặc tài sản của cá nhân, tổ chức chỉ đặt ra trong trường hợp cấp bách hoặc trong trường hợp khẩn cấp hoặc trong trường hợp thật cần thiết khi các biện pháp khác không thực hiện được với những điều kiện rất cụ thể. Ví dụ như Khoản 2, Điều 22 Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định “trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó, trừ trường hợp phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Tương tự, khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định “trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam”. Khoản 1, Điều 27 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 quy định: “Trường hợp tài sản trưng dụng phải có người vận hành, điều khiển nhưng tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng không có người vận hành, điều khiển thì người quyết định trưng dụng tài sản được huy động người đang vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng đó để vận hành, điều khiển”…

Việc quy định các trường hợp“huy động” này là cần thiết, nhưng các đối tượng được huy động đều “không thuộc sở hữu hay quản lý” của người có thẩm quyền huy động.

Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên, thì đối tượng huy động là “quân nhân dự bị” và “phương tiện kỹ thuật” đã xếp vào đơn vị dự bị động viên (có nghĩa là thuộc “biên chế” của quân đội). Vì vậy, đề nghị cần cân nhắc việc quy định “huy động” đối với hai đối tượng này (đã xếp trong kế hoạch trong thời gian dài)! Theo đó, nên nghiên cứu sửa thành “gọi quân nhân dự bị” và “tập trung phương tiện kỹ thuật” cho phù hợp. Đối với người điều khiển phương tiện đi phục vụ nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 36 dự thảo Luật), thì việc “huy động” này là phù hợp, vì họ không phải là quân nhân dự bị. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, bổ sung về trường hợp huy động họ và quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với họ để bảo đảm tính khả thi (cũng không nên viện dẫn chính sách theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008, vì họ cũng không thuộc các đối tượng của luật này).

Thứ hai, về các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 25 dự thảo Luật), đây là các trường hợp sử dụng lực lượng dự bị động viên làm nhiệm vụ và là các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang (đã quy định tại Khoản 2, Điều 24 Luật Quốc phòng), vì lực lượng dự bị động viên là thành phần của Quân đội nhân dân. Do đó, đề nghị cân nhắc bỏ Điều này cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, về việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật, Điều 12 dự thảo Luật quy định công dân có trách nhiệm đăng ký phương tiện kỹ thuật lần đầu với UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức. Quy định này cần cân nhắc, vì trách nhiệm đăng ký phương tiện kỹ thuật để xếp vào các đơn vị dự bị động viên phải là của cơ quan nhà nước, để tránh ảnh hưởng, hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, phát sinh thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân!

Để bảo đảm tính khả thi, đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước (cấp có thẩm quyền) có nhu cầu đăng ký phương tiện của công dân với chủ sở hữu phương tiện (tài sản) để xác định trách nhiệm của chủ phương tiện, bảo đảm tương xứng về chế độ, chính sách với quân nhân dự bị cùng được xếp vào đơn vị dự bị động viên (như sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị). Dự thảo Luật bổ sung chính sách (so với Pháp lệnh hiện hành) là “Quân nhân dự bị được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp theo quy định” (Khoản 1, Điều 32), trong khi chủ sở hữu phương tiện kỹ thuật không được hưởng phụ cấp.

_________________

1. Khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”.

Đoàn Phúc Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và An ninh