Còn nhiều khoảng trống

- Thứ Năm, 06/08/2020, 06:15 - Chia sẻ

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang)

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) hiện đang được tiếp thu, chỉnh lý. Theo tôi, có mấy vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện.

Về mặt nguyên tắc để quản lý cư trú của người nước ngoài gần như bị bỏ trống. Tất nhiên phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật mới chỉ điều chỉnh về cư trú của công dân Việt Nam nhưng giả sử câu chuyện công dân Việt Nam mang hai quốc tịch, trong đó có một quốc tịch Việt Nam thì quản lý cư trú của đối tượng này như thế nào? - Cả dự thảo Luật này gần như bỏ trống. Cho nên vừa qua, báo chí phản ánh việc người nước ngoài nhờ người Việt Nam mua đất ở những khu trọng yếu về an ninh quốc phòng. Đây cũng là một câu chuyện cần nghiên cứu.

Tiếp đó, Khoản 9 Điều 7 chỉ cấm hành vi thuê và cho thuê giấy tờ cư trú. Vậy bây giờ tôi cho mượn thì sao? Cho nên bản chất vấn đề ở đây là cấm việc sử dụng giấy tờ cư trú của người khác hoặc cho người khác sử dụng giấy tờ cư trú, dùng từ “thuê” và “cho thuê” là không bao hàm hết các trường hợp. Điều 8 quy định “Công dân có quyền được cấp giấy tờ xác nhận về cư trú theo yêu cầu chính đáng của mình”, kết hợp với câu chuyện bỏ sổ hộ khẩu.

Tôi cũng tin tưởng Bộ Công an đánh giá kỹ chuyện này rồi nhưng ở đây có một câu chuyện khi đi xin học cho con đúng tuyến, trái tuyến hay nhiều giao dịch nữa mà yêu cầu công dân lấy xác nhận cư trú, trong khi nếu bỏ sổ hộ khẩu thì nguy cơ phát sinh ra một thủ tục hành chính mà dân sẽ thường xuyên phải đến cơ quan công quyền để xin xác nhận. Tôi đang rất e ngại câu chuyện này, đề nghị Bộ Công an phải tính tới. Hơn nữa để đồng bộ với hạ tầng cơ sở trong môi trường giáo dục, đặc biệt là các lớp đầu cấp đi xin học ồ ạt thì liệu cơ sở giáo dục của chúng ta có bảo đảm để theo dự thảo Luật Cư trú này không?

Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu tiếp Điều 9 về các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú. Khoản 1 điều này quy định “người bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú” nhưng ở khoản 2 lại quy định “bị can, bị cáo đang tại ngoại”. Thực ra khoản 1 “nấp” trong khoản 2 rồi, trường hợp đang tại ngoại tức là không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam tạm giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú hay đặt tiền để bảo đảm… Quy định như vậy chưa ổn lắm.

Điều 20 quy định về câu chuyện được cấp “Giấy xác nhận khai báo cư trú” theo quy định tại khoản 2 thì ở đây lật lại một điểm nữa để thấy rằng câu chuyện thủ tục hành chính phát sinh sẽ là rất nhiều và sẽ gây rất nhiều bất cập cho người dân khi chúng ta bỏ sổ hộ khẩu. Tôi nghĩ sổ hộ khẩu có giá trị của nó. Liệu khi chúng ta thay bằng thẻ Căn cước công dân thì có giải mã được toàn bộ như trong sổ hộ khẩu không? Sổ hộ khẩu ở đây không phải là chúng ta ngăn chặn không cho dân vào nội thành nội đô hay chuyển tỉnh, nhưng như trong câu chuyện Covid hiện nay thì rõ ràng để khoanh vùng dập dịch thì giá trị của hộ khẩu, đăng ký quản lý hộ khẩu là rất cao.

Điều 21 điều kiện đăng ký thường trú, đề nghị nghiên cứu xem có mâu thuẫn với Khoản 3 Điều 10 và Khoản 11 Điều 12 không. Về nội hàm là mâu thuẫn và chưa giải quyết được câu chuyện hiện nay rất nhiều người đặc biệt ở khu vực Hà Nội hầu như có hai nhà, một nhà ở Hà Nội và một nhà ở địa phương khác; thậm chí ngay tại Hà Nội thì có nhà quận này, nhà quận kia. Như cạnh nhà tôi có một gia đình có một căn hộ ở đây nhưng đồng thời có nhà trên Thái Nguyên, họ là lao động tự do, nửa thời gian ở Hà Nội, nửa thời gian lại ở dưới địa phương thì câu chuyện quản lý cư trú như thế nào? Đăng ký một nơi nhưng ở một nơi thì câu chuyện thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm một công dân như thế nào?

Một vấn đề nữa là điều kiện đăng ký cũng chưa đề cập tới câu chuyện phạm nhân khi kết thúc thời hạn thi hành án phạt tù ở Khoản 2 Điều 2. Chúng ta biết khi kết thúc thi hành án phạt tù thì bao giờ cũng được cấp giấy ra trại. Vậy giá trị của giấy ra trại này để làm hộ khẩu thường trú ở nơi nào đấy thì dự thảo Luật chưa lường tới. Bên cạnh đó, nếu khi người ra tù bị áp dụng biện pháp quản chế hoặc biện pháp cấm cư trú thì câu chuyện lồng ghép này dự thảo Luật chưa lường tới. Tôi đề nghị nghiên cứu tiếp và ở Điều 23 bổ sung câu chuyện của giấy ra tù cho đồng bộ.

Điều 28 về điều kiện đăng ký tạm trú có hai khoản. Tôi không hiểu rằng quy định hai khoản thì đòi hỏi một người phải có đủ điều kiện của cả hai khoản hay chỉ cần một điều kiện?

Rõ ràng quy định của dự thảo Luật về tính minh bạch của quy phạm là chưa rõ dẫn tới sau này chúng ta áp dụng sẽ tương đối khó.

PV lược ghi