Đấu gia quyền khai thác khoáng sản

Còn nhiều quy định gây khó

- Thứ Hai, 20/07/2020, 09:51 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó, không ít đề xuất của dự thảo đã được nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng gây khó cho họ.

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một bước tiến lớn của Luật Khoáng sản năm 2010, giúp minh bạch hóa lĩnh vực khoáng sản, tránh tình trạng xin - cho khi cấp phép khai thác. Tuy nhiên, qua 9 năm thực thi Luật, số tiền thu được thông qua đấu giá mới chỉ đạt hơn 1.041 tỷ đồng. Báo cáo của ngành thuế, về số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm thu được khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ thu thông qua đấu giá chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với những trường hợp thu không đấu giá.

Còn sau 7 năm triển khai Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản), đạt 52,23% kế hoạch. Các địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản 152 mỏ, đạt 50% kế hoạch.

Như vậy, một trong những mục tiêu cần đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 22/2012 chính là tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoáng sản hoạt động; cũng chính là bảo đảm nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, khá nhiều đề xuất của dự thảo đã gặp phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp. 

Đơn cử, Điểm g, Khoản 2, Điều 11 dự thảo quy định hồ sơ mời đấu giá yêu cầu tổ chức cá nhân phải dự kiến các nội dung về mục đích, địa chỉ sử dụng khoáng sản sau khai thác, phương pháp, công nghệ, thiết bị khai thác, mức độ chế biến khoáng sản. Và, tại Điểm c, Khoản 2, Điều 24 dự thảo cũng đề xuất các tiêu chí xét chọn tham gia cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; theo đó doanh nghiệp phải có cam kết về thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản và phương án tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy định.

Tuy nhiên, phải thấy rằng đây là quy định liên quan đến việc lựa chọn doanh nghiệp để tham gia đấu giá, chứ không phải đấu thầu. Nói cách khác, tiêu chí để lựa chọn đơn vị trúng đấu giá chỉ là yếu tố giá, không bao gồm các yếu tố khác về năng lực, trang thiết bị, kinh nghiệm, phương án chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nếu đưa thêm các tiêu chí này vào vòng xét chọn tham gia thì đã thay đổi bản chất từ đấu giá thành đấu thầu.

Đây cũng là vấn đề đã được tranh luận trong quá trình soạn thảo Luật Khoáng sản 2010 và Quốc hội đã lựa chọn theo phương án đấu giá; hơn nữa Luật Đấu giá tài sản 2016 cũng không có bước xét chọn như thế này. Thêm vào đó, việc đưa ra các tiêu chí này có thể dẫn đến nguy cơ tùy tiện, thậm chí tham nhũng, tiêu cực khi xét chọn. Góp ý vào đề xuất này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng các tiêu chí xét chọn chỉ bao gồm các tiêu chí cứng theo quy định của Luật Khoáng sản về điều kiện cấp phép hoạt động khoáng sản, không bổ sung các tiêu chí khác.

Cũng là một trong những đề xuất được đánh giá là quy định thêm, gây khó cho doanh nghiệp, khi tại Điểm e, Khoản 4, Điều 19 dự thảo quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải có ít nhất một đấu giá viên có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật địa chất hoặc khai thác mỏ. Trong khi đó, theo Điểm b, Khoản 1, Điều 14 Luật Đấu giá tài sản thì đấu giá viên phải có bằng đại học một trong các lĩnh vực luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng. Như vậy, nếu kết hợp hai quy định này thì một đấu giá viên sẽ phải có hai bằng đại học.

Theo phản ánh của một số đấu giá viên, họ chưa biết đấu giá viên nào có bằng đại học ngành địa chất, khai thác mỏ. Nếu duy trì quy định này sẽ dẫn đến tình trạng buộc phải sử dụng Hội đồng đấu giá thay vì đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá chuyên nghiệp. Trong khi đó, chủ trương chung của Luật Đấu giá tài sản là khuyến khích sử dụng các đơn vị chuyên nghiệp. Như vậy, có thể thấy đây không chỉ là quy định chưa phản ánh được thực tế của hoạt động đấu giá khoáng sản; mà còn gây khó cho chính cơ quan quản lý, bởi chủ trương chung của pháp luật đấu giá khoáng sản là sử dụng đơn vị đấu giá chuyên nghiệp.

Phạm Hải