Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi):

Công bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm

- Thứ Năm, 01/10/2020, 08:34 - Chia sẻ
Tại Hội thảo Thúc đẩy vai trò tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi trong bảo vệ môi trường - Định hướng và cơ chế, chính sách trong Luật Bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đang thiên về các quy định mang tính trách nhiệm. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có hành vi làm nguy hại tới môi trường phải nộp phạt. Ở chiều ngược lại, cá nhân, hộ gia đình, tổ chức bảo vệ môi trường lại không được hưởng lợi từ môi trường. Chúng ta rất cần cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân bảo vệ môi trường.

Thể hiện rõ lợi ích của người bảo vệ môi trường

Các đại biểu dự hội thảo nhận xét, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) đã thể hiện được nhiều quy định, chính sách mới quan trọng. Cụ thể, dự thảo Luật đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội; đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định các chính sách bảo vệ môi trường khác.

Dự thảo Luật cũng quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của từng dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định, thực hiện, đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án như chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, dự thảo Luật đang thiếu một nguyên tắc cơ bản, đó là gắn kết giữa quyền lợi và trách nhiệm. Dự thảo Luật thiên về các quy định mang tính trách nhiệm, theo đó cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có hành vi, tác động làm nguy hại tới môi trường phải nộp phạt. Ở chiều ngược lại, cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng góp, làm giàu cho môi trường, bảo vệ môi trường lại không được hưởng lợi từ môi trường. Trong khi đó, đây mới chính là lợi ích thiết thực, là động lực để bảo vệ môi trường, nhất là ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, hay đối với cá nhân, tổ chức đang nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Chúng ta rất cần sự công bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, bổ sung Điều 4, dự thảo Luật về nguyên tắc bảo vệ môi trường là: “Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có đóng góp, bảo vệ và làm giàu môi trường được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước”. Tương thích với đó, Điều 5, dự thảo Luật phải bổ sung: “Nhà nước có chính sách bảo đảm lợi ích và khuyến khích cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong việc làm giàu và bảo vệ môi trường”.

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại hội thảo ngày 25.9  

Ảnh: Hoàng Ngọc 

Công cụ “đánh vào hành vi

Khẳng định cần có sự bình đẳng giữa người có trách nhiệm và người đóng góp cho bảo vệ môi trường, song Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh nêu rõ, dự thảo Luật chưa thể hiện tư tưởng này. Bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng, đây là tư tưởng chung của Nhà nước. Đơn cử ở các khu vực đầu nguồn, nơi người dân phải bảo vệ rừng, nguồn nước, thì hàng năm Nhà nước đều điều tiết ngân sách hỗ trợ cho địa phương trong bảo vệ môi trường rừng. Dự thảo Luật quy định tại Khoản 10, Điều 5: “Tôn vinh tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường”; và quy định rõ chế định chi trả dịch vụ hệ sinh thái - quy định này tương tự như chế định dịch vụ bảo vệ môi trường rừng, ông Nguyễn Hưng Thịnh nói.

Chưa đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu thực tế, chính sách dịch vụ bảo vệ môi trường rừng chỉ quy định 20 đồng/1kWh, "đấu tranh mãi" mới lên được 34 đồng/1kWh. Ước tính đến năm 2019, tổng thu từ dịch vụ bảo vệ môi trường rừng mới đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Song, mức chi trả đối với những nơi có nguồn thu từ dịch vụ bảo vệ môi trường rừng rất khác nhau; còn ở những nơi không có nguồn thu thì người dân lại không được hưởng lợi.

Câu chuyện thu về rồi, phân chia như thế nào, chúng ta càng không có nguyên tắc. Phân nguồn thu về địa phương, nhưng có địa phương lại chi tiêu cho việc khác, chưa tương xứng với việc bảo vệ lợi ích cho cá nhân, cộng đồng, tổ chức đóng góp, làm giàu cho môi trường rừng. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, “rất cần có công cụ quan trọng nhất cho bảo vệ môi trường, đó là lợi ích kinh tế”.

Đại diện cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nêu quan điểm, "người nào xả ra môi trường phải chi, người nào bảo vệ, làm giàu cho môi trường phải được thụ hưởng". Đơn cử, dự thảo Luật mới bổ sung quy định dịch vụ cảnh quan đa dạng sinh học, nghĩa là những nơi bảo tồn đa dạng sinh học được thu phí dịch vụ. Bên cạnh đó, chúng ta cần có công cụ kinh tế hỗ trợ, khuyến khích bảo vệ môi trường. 

Tuy nhiên, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. "Chúng tôi đã thảo luận với Bộ Tài chính theo hướng, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc thu phí và thuế môi trường, chứ không quy định về thuế, phí. Chúng ta sẽ có công cụ đánh vào hành vi, điều chỉnh hành vi. Thuế, phí bảo vệ môi trường không chỉ là nguồn thu ngân sách mà còn làm thay đổi thái độ, hành vi", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng khẳng định sẽ rà soát dự thảo Luật, phối hợp với các cơ quan liên quan để có cơ chế phù hợp, xác định lại nguyên tắc, xây dựng cơ chế phân bổ lợi ích hợp lý trong bảo vệ môi trường.

Ý Nhi