Công bằng khi xem xét trách nhiệm hoàn trả

- Thứ Tư, 23/09/2020, 06:19 - Chia sẻ
Xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại và mức hoàn trả là vướng mắc lớn nhất sau gần 4 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP- BTC giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính về hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.

Khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC quy định về việc thành lập Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại có đề cập đến trường hợp có nhiều người có lỗi thuộc các cơ quan khác nhau cùng gây ra thiệt hại thì đại diện lãnh đạo các cơ quan này phải tham gia Hội đồng.

Tuy nhiên, các quy định khác của Thông tư này lại không có nội dung nào quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong trường hợp do nhiều người gây thiệt hại. Trong khi đó, trên thực tế thi hành án là chuỗi các công đoạn, liên quan đến nhiều người, thậm chí nhiều người cùng tiến hành việc xác minh tài sản, hoặc tổ chức thi hành án, tổ chức cưỡng chế tài sản... Điều đó dẫn đến việc cơ quan, tổ chức phải thi hành án gặp khó khăn, lúng túng khi áp dụng pháp luật để thu tiền hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp vụ việc bảo đảm tài chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự do nhiều người thi hành công vụ gây ra.

Không chỉ khó trong việc xác định khoản thu tiền hoàn trả mà Thông tư liên tịch 07/2016 còn vướng mắc trong quá trình thực hiện mức hoàn trả. Về bản chất, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại dẫn đến việc Nhà nước phải cấp kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành án hay cấp kinh phí để chi trả bồi thường (trong bồi thường nhà nước) cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại là như nhau. Tuy nhiên, so sánh về mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại trong trường hợp bảo đảm tài chính khá thấp so với mức hoàn trả trong trường hợp bồi thường nhà nước.

Cụ thể,  Khoản 5, Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC quy định, nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả không quá 3 tháng lương của người thi hành công vụ; trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương của người thi hành công vụ. Trong khi đó, mức hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp bồi thường nhà nước thì Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP, mức hoàn trả của người thi hành công vụ lần lượt là: tối đa không quá 5 tháng lương với lỗi vô ý gây thiệt hại và tối đa không quá 50 tháng lương của người thi hành công vụ với lỗi cố ý gây thiệt hại.

Từ những vướng mắc nêu trên, đại diện các cục, chi cục Thi hành án dân sự đề xuất, cần bổ sung quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp nhiều người thi hành công vụ cùng có lỗi gây thiệt hại. Sự bổ sung này sẽ thống nhất với các quy định tại Điều 64, 65 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 27 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP. Để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật cũng như sự công bằng giữa những người thi hành công vụ khi thi hành bản án, quyết định của tòa án theo cơ chế bồi thường nhà nước, cần nâng mức hoàn trả tương đương với mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại khi thi hành theo cơ chế bồi thường nhà nước.

Đình Khoa