Tăng cường tiếp cận thị trường vốn cho nhà đầu tư nước ngoài

Công cụ mới nhiều kỳ vọng

- Thứ Năm, 09/05/2019, 08:29 - Chia sẻ
Sáng qua, khán phòng diễn ra hội thảo Tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam hầu như không còn ghế trống. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu chia sẻ, với tư cách là đơn vị đồng tổ chức sự kiện, “đây là một áp lực, chứng tỏ xã hội kỳ vọng vào công cụ mới”. Áp lực này phần nào được sẻ chia bởi những gợi mở từ phía đại biểu, trong đó đề nghị thí điểm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).

“Có tiền nhưng không thể đầu tư”

“Thị trường vốn Việt Nam đã có bước tiến nhất định”, Phó Giám đốc phụ trách đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Lê Anh Tuấn nhìn nhận. Theo đó, cách đây 3 - 4 năm, vốn hóa thị trường khoảng 50 tỷ USD, hiện đã lên mức khoảng 180 tỷ USD. “Trong khi thị trường tín dụng dành cho toàn bộ nền kinh tế thì thị trường vốn chỉ dành cho khoảng 1.000 công ty niêm yết, trong đó vốn hóa của 150 công ty hàng đầu chiếm khoảng 90% toàn thị trường. Thị trường vốn hiện chiếm khoảng 60% thị trường tín dụng rõ ràng là bước tiến rất xa với tiềm năng phát triển vẫn rất lớn”, ông Tuấn nói.


Toàn cảnh hội thảo Ảnh: Đan Thanh

“Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) được Mỹ áp dụng từ năm 1920, Thái Lan áp dụng từ năm 2000… Ở Việt Nam đã từng thảo luận về chủ đề này vào khoảng năm 2010 - 2012 nhưng đáng tiếc hiện công cụ này vẫn chỉ ở mức độ thảo luận. Chẳng có lý do gì để chúng ta từ chối công cụ này! Song, nếu đưa vào hệ thống pháp luật thì phải hình dung nó như thế nào? Cần đưa vào Luật Doanh nghiệp hay Luật Chứng khoán?... Đây là những chủ đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính với tư cách là các cơ quan xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán có thêm trọng trách phải suy nghĩ, hiện thực hóa”.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Phan Đức Hiếu

Ủy viên chuyên trách HĐQT, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) Nguyễn Thị Việt Hà phân tích, Nghị định số 60/2015/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ - CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể nới room, thậm chí lên đến 100% thay vì tối đa 49% như trước. Điều này được kỳ vọng sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường vốn Việt Nam, song thực tế việc thực hiện vẫn dè dặt. Cụ thể, trong tổng số 376 công ty nước ngoài niêm yết trên HOSE, đến nay chỉ có 51 công ty có thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có 25 công ty mở room lên 100%, 3 công ty mở room từ 51 - 70%, còn lại 23 công ty hạn chế bớt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống dưới mức 49%...

Lý giải nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng, về mặt pháp lý, các công ty niêm yết muốn nới room phải rà soát danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện song lại gặp nhiều khó khăn trong tìm hiểu thông tin. Thứ nữa, khi nới room lên trên 51% sẽ được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng nghĩa bị hạn chế trong một số ngành nhất định như ngành công nghệ thông tin không được tham gia đấu thầu dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước…

Đại diện Ngân hàng Credit Suisse bổ sung những thách thức khi tham gia thị trường vốn tại Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, khi cổ phiếu mới được phát hành phải mất 5 - 8 tuần để hoàn tất thủ tục mới được giao dịch, trong khi ở các nước trong khu vực thường chỉ mất từ 7 - 10 ngày. Thêm vào đó, thời gian hạn chế giao dịch thông thường khoảng 12 tháng kể từ khi cổ phiếu được trao đổi (giao dịch). Rõ ràng, những quy định như vậy đang gây bất lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường vốn Việt Nam. Nói như ông Lê Anh Tuấn, các chính sách vĩ mô đang khiến nhà đầu tư nước ngoài “dù có nhiều tiền nhưng không thể đầu tư”.

Nên giới hạn số lượng NVDR dưới 15%

Theo giới phân tích, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường vốn, bên cạnh việc giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục, việc có thêm sản phẩm mới là giải pháp hữu hiệu hơn cả.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà (HOSE), hiện có 2 sản phẩm mới có thể áp dụng tại Việt Nam. Đó là cổ phiếu không có quyền biểu quyết (FOL) và chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Cụ thể, FOL được áp dụng tại Malaysia và Nhật Bản. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phiếu vượt FOL khi giao dịch qua sở giao dịch chứng khoán, phần cổ phiếu vượt này được hưởng đầy đủ quyền lợi tài chính…

Đối với NVDR là sáng kiến của Ủy ban Chứng khoán Thái Lan từ năm 2000. Đây là một loại chứng chỉ lưu ký được phát hành bởi công ty con của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan - Thai NVDR; được tự động niêm yết trên sàn chứng khoán, tương ứng với 1 cổ phiếu cơ sở. Tổ chức phát hành NVDR có quyền tham dự và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông; chỉ chuyển giao quyền lợi tài chính, không chuyển giao quyền biểu quyết trừ khi cần biểu quyết về việc hủy niêm yết cổ phiếu cơ sở. Đặc biệt, không giới hạn sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài…

Đối chiếu với Việt Nam, bà Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng nên áp dụng NVDR sẽ tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư  nước ngoài tốt hơn. “Trước tiên cần thí điểm cho phép sở giao dịch chứng khoán thành lập công ty con để phát hành NVDR. Luật Chứng khoán cần sửa đổi theo hướng quy định rõ quyền thành lập công ty con của sở giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, cho phép tổ chức phát hành NVDR tham dự và biểu quyết. Sửa Luật Doanh nghiệp để có cơ chế biểu quyết đặc biệt cho tổ chức phát hành NVDR. Ngoài ra, phải giới hạn số lượng NVDR phát hành nhỏ hơn 15%, chỉ được phép chuyển đổi từ NVDR sang cổ phiếu khi NVDR bị hủy niêm yết”, bà Hà nêu ý kiến.

Phương án sử dụng NVDR nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu tham gia hội thảo. Phó Giám đốc phụ trách đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Lê Anh Tuấn phân tích, FOL dù dễ dàng về giao dịch nhưng vướng rất nhiều về luật định và gây khó hiểu cho nhà đầu tư nước ngoài về quyền lợi. Ngược lại, do NVDR ở Thái Lan “chưa từng có tranh chấp nào giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài” nên phù hợp với Việt Nam hơn. Mặc dù vậy, theo ông, “nên thí điểm trước ở một vài công ty đã hết room, có quản trị tốt”.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) Trịnh Hoài Giang bổ sung, việc phát hành NVDR nên “ở cấp độ sở giao dịch chứng khoán là tốt nhất, mang lại sự đơn giản, minh bạch”, không nên phát hành ở cấp độ công ty chứng khoán.

Đan Thanh