Cộng đồng trách nhiệm

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 08:05 - Chia sẻ
Tin nhắn, cuộc gọi rác, dù chưa đến mức là "nỗi ám ảnh" nhưng thực sự gây nhiều phiền toái cho người sử dụng điện thoại di động. Với các cơ quan chức năng thì đây vấn đề "đau đầu" bởi thời gian qua, nhiều biện pháp đã được triển khai nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

Con số thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông đã phần nào nói lên thực trạng này: Chỉ tính riêng trong tháng 3.2020, hệ thống phát hiện cuộc gọi rác đã tìm ra khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này phát sinh từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng. Cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ như rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh, gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn.

Cái sự khó, như chia sẻ trên báo chí của một số nhà mạng thời điểm cuối năm 2019 khi góp ý về dự thảo Nghị định phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác là bởi hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa có định nghĩa cụ thể; một số quy định về tin nhắn, cuộc gọi rác gây khó khăn cho doanh nghiệp... Do đó, đại diện các nhà mạng cho rằng, nghị định mới cần có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng là cá nhân, doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác tới khách hàng, thay vì "quy" toàn bộ trách nhiệm cho nhà mạng. Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khi đó cho biết đang tích cực chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp để đưa ra giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác gây phiền phức cho khách hàng thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đối tượng cuộc gọi rác.

Ngay, từ 1.7, tất cả thuê bao bị xác định là nguồn phát tán cuộc gọi rác sẽ bị khóa chiều gọi đi (nội mạng) và chiều gọi đến (liên mạng). Để thực hiện, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất với các nhà mạng về cách hiểu thế nào là cuộc gọi rác, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của nhà mạng đối với việc ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác, bảo vệ người tiêu dùng. Đối với trường hợp không thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, nhà mạng có thể bị xem xét xử lý theo quy định tại Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc các cơ quan chức năng cũng như các nhà mạng "bắt tay" phối hợp ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác là cần thiết. Cơ sở pháp lý cho việc này cũng khá đầy đủ, vậy nhưng, theo Cục Viễn thông, để chặn cuộc gọi rác có hiệu quả, rất cần sự phối hợp của người dùng. Cụ thể là người tiêu dùng phải trả lời câu hỏi nhằm xác định đâu là cuộc gọi rác. Sau mỗi cuộc gọi từ số thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ gửi câu hỏi dưới dạng tin nhắn có nội dung nhờ người dùng xác định cuộc gọi đó liệu có chứa nội dung quảng cáo hoặc làm phiền hay không. Đây sẽ là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để nhà mạng xác định chính xác thuê bao có phải là nguồn phát tán cuộc gọi rác không. Việc cung cấp thông tin trên cũng sẽ giúp hệ thống chặn lọc tự động của nhà mạng hoạt động ngày càng chuẩn xác...

Có thể việc ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác chỉ có thể hạn chế tối đa, không thể triệt để 100% - nhưng đây là những động thái tích cực, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng. Muốn vậy, ba bên là cơ quan chức năng - nhà mạng và khách hàng phải cộng đồng trách nhiệm.

Linh Trang