Công khai kết quả kiểm toán để nâng hiệu quả giải ngân đầu tư công

- Thứ Tư, 23/09/2020, 06:13 - Chia sẻ
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” ngày 22.9, có ý kiến cho rằng cần tăng cường công khai kết quả kiểm toán những lĩnh vực, vấn đề, dự án được xã hội quan tâm, các công trình bị thất thoát, lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để nhân dân cùng tham gia giám sát. Cùng với đó, để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, cần rà soát toàn diện các quy định hiện hành trong quản lý đầu tư xây dựng để sửa đổi cho rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.

8 tháng, giải ngân 46,6%

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 31.8, luỹ kế giải ngân vốn đầu tư qua hệ thống kho bạc là 210,4 nghìn tỷ đồng, đạt 46,6% kế hoạch vốn năm 2020 Thủ tướng giao kiểm soát chi qua kho bạc. Riêng khối địa phương, luỹ kế giải ngân là 179,4 nghìn tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Tỷ lệ này mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 42,3%) nhưng vẫn đạt thấp so với kế hoạch vốn năm 2020.

Phân tích những cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, Kho bạc Nhà nước cho biết, quá trình thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP về chi phí quản lý đầu tư xây dựng, do chưa có hướng dẫn, công bố về định mức, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị đã ảnh hưởng đến quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án, làm chậm tiến độ giải ngân. Ngày 17.7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 108 để tháo gỡ những khó khăn này. Bên cạnh đó, Nghị định 56/2020 về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài có hiệu lực thi hành từ 25.5.2020 có nhiều nội dung mới, đặc biệt là nội dung liên quan tới quy trình điều chỉnh hiệp định vay khiến các bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong thực hiện.

Theo GS.TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN), chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án. Bởi nguồn vốn này thường là nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, giải ngân chậm sẽ kéo lùi dòng vốn đối ứng của tư nhân, của nước ngoài; đồng thời suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và nhà tài trợ. Giải ngân chậm cũng dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được, trong khi vẫn phải trả chi phí lãi vay. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi…

Lãnh đạo KTNN cho rằng, nguyên nhân chậm giải ngân hiện nay do nhiều yếu tố chủ quan, nhất là hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Cụ thể như: chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm… Một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.

Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, ông Đoàn Xuân Tiên cho biết KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng. “Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao”, Phó tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.

Nguồn: ITN

Đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

Theo ông Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV, để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, cần rà soát toàn diện các quy định hiện hành trong quản lý đầu tư xây dựng để sửa đổi, bổ sung cho rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tế trong nước cũng như thông lệ quốc tế. Trong đó, trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31.10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép giao kế hoạch năm phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019…

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết, 8 tháng đầu năm, tỉnh giải ngân 66,4% kế hoạch vốn được giao, đứng thứ 11/63 địa phương. Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, ông Liêm đề nghị KTNN ưu tiên kiểm toán một số chuyên đề phạm vi rộng và các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý thu ngân sách và quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản…

Cùng với đó, tăng cường công khai kết quả kiểm toán những lĩnh vực, vấn đề, dự án được xã hội quan tâm, các công trình bị thất thoát, lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để nhân dân cùng tham gia giám sát. Ông Liêm cũng đề xuất KTNN tăng cường hậu kiểm, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; ban hành hoặc đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đề nghị KTNN tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương và các đơn vị được kiểm toán trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán và thu thập thông tin để xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu. Từ đó, áp dụng các phương pháp kiểm toán và bố trí lực lượng kiểm toán thích hợp; nghiên cứu cách thức, giải pháp phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn quy trình và thời gian kiểm toán tại các địa phương.

Minh Hương