Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV:

Công tác quản lý kinh tế phải được nhìn nhận, đánh giá sâu sắc hơn

- Thứ Năm, 23/04/2020, 17:54 - Chia sẻ
Chiều 22.10, tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT – XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025; việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước...

Còn tình trạng chi chưa đúng

Các ĐBQH cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển KT – XH năm 2020 và cho rằng, công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, năng động, hiệu quả, chú trọng vào xử lý những vấn đề lớn, dài hạn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những rào cản cho phát triển, khích lệ đổi mới sáng tạo trong xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các bộ, ngành cũng có nhiều nỗ lực để rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý…

ĐBQH Phùng Quốc Hiển (Lai Châu) bày tỏ vui mừng trước tốc độ tăng trưởng năm 2019 đã đạt và vượt mục tiêu QH đề ra; 4 chỉ tiêu mang tính chất vĩ mô như lao động - việc làm, xuất nhập khẩu, bội chi và nợ công đều đạt và vượt mục tiêu. “Bức tranh kinh tế năm 2019 sáng hơn năm 2018”, ĐBQH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.


Đoàn ĐBQH tỉnh  Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Cần Thơ thảo luận tại tổ chiều 22.10
Ảnh: Quang Khánh

Đi sâu vào đánh giá ngân sách nhà nước, ĐBQH Phùng Quốc Hiển nhận định, chúng ta vượt thu ngân sách nhà nước nhưng vẫn cần lưu ý, thu từ quốc doanh, thu từ đầu tư nước ngoài và thu ngoài nhà nước đều không đạt dự toán; nguồn thu ngân sách chủ yếu đến từ dầu thô và tăng thu từ đất đai. Tình trạng nợ đọng thuế lên đến 81.000 tỷ đồng, ước tính khả năng khó thu hồi là hơn 40.000 tỷ đồng. Như vậy, công tác quản lý kinh tế phải được nhìn nhận, đánh giá sâu sắc hơn.

Về chi ngân sách nhà nước, chúng ta cơ bản bảo đảm các mục tiêu (từ chi tiền lương đến chi cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ), nhưng chi giải ngân đầu tư công chậm, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia như: dự án sân bay Long Thành, dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Cho nên, dù giảm bội chi, song chúng ta lại chi chưa hết tiền đầu tư phát triển. Kỷ luật tài chính dù đã được tăng cường, tiếc rằng qua kiểm toán và thanh tra vẫn còn có việc chi chưa đúng, sai ở góc độ này, góc độ khác, ĐB Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm để không tái diễn

Đối với việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, nhiều ĐBQH thẳng thắn, nếu QH cho phép lùi thời gian sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng trong bối cảnh ngân sách nhà nước nhiều khó khăn. Việc không thu được tiền là vì Chính phủ chậm ban hành Nghị định, dẫn đến chậm xác định cách thu, sản lượng thu, giá thu và thời gian thu. Theo đó, Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1.7.2011 và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, tuy nhiên, đến này 28.11.2013 Chính phủ mới ban hành Nghị định 203 về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 20.1.2014, chậm hơn 2 năm 6 tháng; ngày 17.7.2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định 82 về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực thi hành ngày 1.9.2017, chậm 4 năm 8 tháng. Đây là trách nhiệm của Chính phủ.


Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp tổ
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Phùng Quốc Hiển thẳng thắn, bài học này rất nặng nề, phải xử lý nghiêm để không xảy ra nữa. ĐBQH Nguyễn Phi Long (Bình Định) bổ sung, ở đây có vấn đề kỷ cương lập pháp, khi chính cơ quan nhà nước lại không chấp hành luật nghiêm dẫn đến phải lùi thời gian thu thuế khoáng sản, tài nguyên nước. Nay trong tình trạng bất đắc dĩ phải lùi thời hạn thu, một số ĐBQH đề nghị lùi thời hạn có hiệu lực pháp luật của nhóm điều luật đó là Khoản 1, Điều 1, Điều 77; Khoản 3, Điều 84 của Luật Khoáng sản và Khoản 1, Điều 65, Khoản 2, Điều 77 Luật Tài nguyên nước cho đồng bộ với thời điểm Nghị định có hiệu lực. Như vậy là nộp chậm chứ không phải không thu, để bảo đảm đúng nguyên tắc xây dựng pháp luật. Các ĐBQH cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành để xảy ra tình trạng trên ngay trong Nghị quyết của QH về vấn đề này.

Trung ương xây dựng chính sách, địa phương cân đối nguồn lực?

Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025 được đa số ĐBQH nhận định là Đề án rất quan trọng, cần thiết phải thông qua. Câu chuyện đặt ra là mục tiêu trong Đề án phải sát, đúng tình hình thực tiễn. Một số ĐBQH nêu rõ, việc đặt mục tiêu thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số năm 2025 tăng gấp 2 lần so với năm 2020; năm 2030 thu nhập tăng gấp 2,5 lần năm 2025 là không khả thi. Đúng là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, với mức tăng dự kiến như trong Báo cáo thì mới bảo đảm mức thu nhập đồng bào dân tộc thiểu số bằng mặt bằng thu nhập chung. Nhưng thực tế cho thấy phải mất 10 năm, chúng ta mới tăng được thu nhập đầu người lên gấp đôi, giờ với vùng đặc biệt khó khăn lại chỉ đặt mục tiêu trong 5 năm thật sự là rất khó khả thi.


Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Đà Nẵng, Tây Ninh thảo luận tại tổ chiều 22.10
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam), ĐBQH Nguyễn Phi Long (Bình Định) nhấn mạnh, Chính phủ phải tính toán trình QH thông qua nguồn lực thực hiện Đề án như thế nào, tránh tình trạng ban hành chính sách mà không có nguồn lực, hay Trung ương xây dựng chính sách, địa phương cân đối nguồn lực. ĐB Phan Thái Bình nêu rõ, khi nào bảo đảm được nguồn lực thực hiện hãy thông qua chính sách, tránh tình trạng địa phương nào có nguồn lực thì thực hiện được, địa phương nào không có nguồn lực thì không thực hiện được.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị cần bổ sung đánh giá chính sách phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn mang tính áp đặt, chưa quan tâm đến đặc điểm, đặc thù vùng, miền, phong tục tập quán. Sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc miền Trung, Tây nguyên phải khác vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, không thể áp đặt được. Thời gian qua, chúng ta đang thiên về hướng hỗ trợ cái mà Nhà nước có chứ chưa quan tâm thỏa đáng đến cái người dân cần. Đây là vấn đề cần khắc phục.

Với mong muốn nâng cao dân trí, thay đổi phương thức sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn, ĐB Phan Thái Bình kỳ vọng, Đề án phải có cơ chế giải phóng sức lao động. Cụ thể nên có giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, quan tâm giải quyết hạ tầng giao thông, tạo ra và giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đặt ra vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp từ đầu tư ban đầu như thế nào, kinh doanh một thời gian ra sao, hỗ trợ đất đai và nguồn vốn như thế nào.

Hoàng Ngọc