Covid-19 và gợi mở hành động của Chính phủ

Bài 1: Chính phủ đang chọn biện pháp thông minh

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:55 - Chia sẻ
“Sự hạn chế quy mô giãn cách xã hội không phải là một biện pháp thận trọng mà là biện pháp thông minh để chúng ta có dư địa lùi dần đến chỗ có thể vừa làm kinh tế vừa chống dịch bệnh”, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt nói.

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn chống dịch đầy cam go, Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Báo Đại biểu Nhân dân có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế NGUYỄN TRẦN BẠT, Chủ tịch InvestConsult Group về những bài toán đặt ra cho Chính phủ ở thời điểm này cùng các gợi mở giúp chúng ta có tâm thế tốt hơn để đạt được mục tiêu kép - cách duy nhất để "sống" qua dịch bệnh.


Mục tiêu kép - cách duy nhất để “sống”

- Trong đợt dịch lần này, Chính phủ chủ trương không giãn cách toàn xã hội như trước mà chỉ giãn cách theo khu vực. Ông nhìn nhận thế nào về sự chuyển hướng này?

- Nói cho cùng, đây là một cách thức mà Chính phủ đưa ra dựa trên sự rút kinh nghiệm của lần trước. Đó là biểu hiện của sự cẩn thận lựa chọn giữa cái chết do khó khăn kinh tế và chết do bệnh tật. Giãn cách toàn xã hội tức là đóng băng tất cả mọi người, thu hẹp quy mô phát triển kinh tế, đồng nghĩa giảm tốc độ phát triển và rõ ràng đây là kinh nghiệm tiêu cực. Giãn cách khu vực, giãn cách cụm nhóm có quy mô nhỏ hơn, để cho những khu vực chưa xuất hiện dịch bệnh vẫn có thể làm ăn được cho đến khi dịch bệnh lan đến. Nói cách khác, giãn cách khu vực chính là con người lùi dần trước sự tấn công của dịch bệnh và tìm cơ hội thoát ra.

Cần nhấn mạnh rằng, hạn chế quy mô giãn cách xã hội không phải là một biện pháp thận trọng mà là biện pháp thông minh để chúng ta có dư địa lùi dần đến chỗ có thể vừa làm kinh tế vừa chống dịch bệnh. Tất nhiên, biện pháp đó thông minh nhưng rất vất vả bởi giữa các mảnh ghép khác nhau của xã hội không có nhận thức đồng nhất, không có các điều kiện địa lý đồng nhất. Nói một cách hình tượng, điều khiển 5 dàn hợp xướng cùng lúc luôn khó hơn nhiều so với điều khiển 1 dàn. Nhưng dù sao, đó vẫn là cách làm thông minh!

- Nhưng giả dụ tình huống xấu nhất là dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong khi chưa có vaccine thì liệu đó có còn là lựa chọn thông minh?

- Chúng ta không loại trừ bất kỳ phương pháp nào, đồng nghĩa không từ bỏ tuyệt đối biện pháp giãn cách toàn xã hội. Chúng ta chỉ tạm dừng thực hiện nó để thay thế bằng các biện pháp phù hợp hơn trong hoàn cảnh hiện tại, mặc dù có thể vất vả hơn.

Tất nhiên, Chính phủ nên lưu ý rằng trong lần giãn cách thứ nhất thì xã hội còn có tiền tiết kiệm, còn có để dành. Sang đến lần thứ hai liệu xã hội còn tiền để dành không? Nếu đã có lần thứ nhất, lần thứ hai thì sẽ có lần thứ 3, lần thứ 4… Do đó, Chính phủ phải tính toán rất cụ thể đối với “n lần” trong giới hạn năng lực tưởng tượng của mình chứ không thể chung chung.

- Ông nghĩ mục tiêu kép - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - mà Chính phủ hướng tới có khả thi không?

- Vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế là mục tiêu của mọi Chính phủ trên thế giới, là cách duy nhất mà nhân loại muốn sống thì phải sử dụng. Nó đòi hỏi phải rất cảnh giác, rất tỉnh táo để lợi dụng từng khe hở trong quá trình đi tìm các lối thoát cụ thể cho các tình huống.

Đặt câu hỏi liệu mục tiêu kép đó có khả thi không sẽ rất khó cho Chính phủ. Nếu có bốn chỗ mà ba chỗ đúng, một chỗ sai thì sao? Truyền thông có thể phản ánh đúng giá trị của sự sáng suốt mang tính tình thế của Chính phủ không?

Việc đánh giá thành tích hay thành tựu của Chính phủ trong hoàn cảnh này đòi hỏi chúng ta phải có một quan điểm khác với lần trước. Bởi lẽ, nếu như lần trước, chúng ta thực hiện giãn cách toàn xã hội tức là chỉ có một cách thức duy nhất, còn lần này là một tổ hợp các khả năng khác nhau trong việc tìm kiếm lối thoát trước dịch bệnh của từng bộ phận xã hội nho nhỏ (giãn cách theo khu vực - PV).

Giãn cách xã hội hẹp theo khu vực là biện pháp thông minh.
Nguồn: ITN

“Việc xây dựng các kịch bản tăng trưởng là rất cần thiết. Các kịch bản phải được nghiên cứu bởi các cơ quan khoa học và có sự thể nghiệm thì mới có giá trị. Còn các kịch bản là kết quả của các cơ quan xúc tiến thương mại thì không đủ để tạo ra độ chính xác của các chính sách”.

Nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt

Phải tăng sự nhạy cảm trong điều hành

- Ông lặp đi lặp lại từ “thông minh” khi nói về hành động của Chính phủ đến thời điểm này. Liệu cách làm thông minh (giãn cách xã hội theo khu vực) có bảo đảm kết quả như ý muốn?

- Chúng ta sẽ không thể đạt hiệu quả như mong muốn nếu Chính phủ không lưu ý 2 vấn đề.

Thứ nhất, phải huấn luyện cho nhân dân để họ xem việc tự bảo vệ mình trước dịch bệnh là giải pháp mấu chốt của việc giãn cách xã hội hẹp. Hiệu quả của cách thức này chủ yếu dựa trên sự nhạy cảm của chính quyền địa phương và của các cá thể công dân, kết hợp giữa sự nhạy cảm cá nhân với nhạy cảm chính trị địa phương tạo ra năng lực của giãn cách xã hội hẹp. 

Thứ hai, chúng ta phải có một ban quản trị để điều khiển quá trình giãn cách xã hội hẹp. Ban quản trị này phải rất nhạy cảm với mọi sự thay đổi. Đến đây thì thấy hợp lý rồi, nhưng khi bắt đầu thấy lóe lên những nguy cơ khác thì phải kịp thời điều chỉnh. Thực tế, sự nhạy cảm điều hành đang thể hiện trong các phát biểu của các nhà điều hành chống dịch như quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và lãnh đạo một số địa phương.

- Vậy làm thế nào để tăng sự nhạy cảm điều hành trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo?

- Tinh thần trách nhiệm là yếu tố quan trọng. Ở các nghị quyết chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII đều nói đến tinh thần trách nhiệm. Không chủ quan, không bốc đồng, không tưởng bở là ngày mai sẽ hết dịch bệnh. Nếu chỉ chờ đợi chế tài cụ thể thì chúng ta sẽ có một công xưởng sản xuất các nghị quyết trên toàn quốc, mà ý thức thì không chỉ hình thành bằng nghị quyết. Chế tài chỉ là một phần, quan trọng là chúng ta phải kêu gọi tính tự giác về tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân làm lãnh đạo, quản lý.

Chống dịch chỉ hiệu quả khi dân đã nghe, đã hiểu

- Quan sát việc chống dịch đến thời điểm này, theo ông, đâu là sự chuyển biến đáng ghi nhận trong xã hội?

- Nếu như giai đoạn trước dịch, sự chặt chẽ có tính chất thể chế tạo ra thành công thì bây giờ năng lực chuyên môn, kỹ thuật đã bắt đầu có địa vị. Vì thế, cần biểu dương vai trò của các nhà khoa học. Các nhà khoa học có 2 việc cần phải làm ngay. Một là hướng dẫn nhân dân kỹ lưỡng về kỹ năng tự vệ trước dịch bệnh. Đó không chỉ là hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách mà còn phải hướng dẫn đeo loại nào, kể cả việc rửa tay, sát trùng quan trọng như thế nào cũng phải làm cho rõ. Đừng nghĩ rằng đã làm rồi thì không cần nhắc lại, bởi Nhà nước có thể làm rồi, nhưng nhân dân vẫn có nhiều người chưa nghe. Phòng chống dịch chỉ hiệu quả khi nhân dân đã nghe và đã hiểu chứ không phải chỉ là Chính phủ đã nói.

Báo Đại biểu Nhân dân là tiếng nói rất thuận lợi để cảnh báo rằng Chính phủ đã nói rồi nhưng nhân dân có thể chưa nghe, cho nên việc nhắc lại là cần thiết.

Việc thứ hai mà các nhà khoa học cần làm là bám sát các diễn biến y học trên toàn thế giới để động viên tinh thần chịu đựng khó khăn của xã hội. Các tin tức về thuốc điều trị lâm sàng hoặc các vaccine phòng bệnh là những thông tin về triển vọng đẩy lùi dịch bệnh.

Vũ Thủy thực hiện