Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình

Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể

- Thứ Bảy, 25/07/2020, 07:12 - Chia sẻ
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết về việc thông qua đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035. Đây là cơ sở để kêu gọi đầu tư, cụ thể hóa không gian phát triển của Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình.

Kết nối các khu du lịch vùng trung du

Trong Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, phạm vi ranh giới, quy mô lập quy hoạch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gồm các phường: Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh và một phần xã Hòa Bình và 4 huyện là Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu, Cao Phong. Mục tiêu của Quy hoạch này là nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; quy hoạch xây dựng vùng và các quy hoạch khác có liên quan nhằm phát triển hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa Mường và hệ sinh thái lòng hồ.

Thung Nai (Cao Phong) với nhiều cảnh đẹp, là điểm đến hấp dẫn du khách khi khám phá vùng Hồ Hòa Bình

Đồng thời, định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ gắn với việc bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan sinh thái rừng cho Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, kết nối với các danh lam thắng cảnh, khu du lịch trong vùng trung du miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, khai thác các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch Quốc gia; tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình và triển khai các quy hoạch, các dự án đầu tư.

Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình sẽ là khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình cùng các loại hình du lịch đa dạng. Là vùng sinh thái, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng, kỹ thuật cấp Quốc gia, liên vùng (cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước..). Đồng thời, là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh và vùng bảo tồn rừng sinh thái quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia, cũng là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 là xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình bước đầu đáp ứng các điều kiện thành Khu du lịch Quốc gia, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên bố trí từ ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, bến thuyền kết nối các điểm du lịch; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư dự án phát triển du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, phát triển nhà hàng đạt chuẩn, khu sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao, phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng; có chính sách hỗ trợ đầu tư khai thác tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, vui chơi giải trí…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu

Thu hút 3.200 tỷ đồng vốn đầu tư

Theo dự báo của UBND tỉnh, đến năm 2030 khách du lịch đạt khoảng 3,2 triệu lượt khách, dân số khoảng 200.000 - 234.000 người. Trong đó, dân số thường trú khoảng 170.000 - 190.000 người, dân số quy đổi từ khách du lịch khoảng 60.000 - 72.000 người. Quy mô cơ sở lưu trú đến năm 2030 khoảng 2.000 phòng, đến năm 2035 trên 5.000 phòng. Hiện nay, hoạt động du lịch tại Khu du lịch hồ Hòa Bình đang khởi sắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Năm 2019, đón 550.000 lượt khách, chiếm khoảng 17,7% tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh, trong đó, 26.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 160 tỷ đồng, chiếm 7,7% tổng thu từ hoạt động du lịch toàn tỉnh.

Đối với định hướng phát triển không gian và sử dụng đất, với tổng diện tích đất tự nhiên khu vực nghiên cứu quy hoạch là 52.200ha, chia làm 2 khu vực là Khu vực phát triển du lịch tập trung và Khu vực ngoài. Cụ thể, Khu vực phát triển du lịch tập trung có diện tích 21.880ha, trong đó, diện tích các khu chức năng hỗn hợp, phát triển du lịch khoảng 2.520ha, bao gồm đất xây dựng các khu đô thị - khu dân cư nông thôn, đất dịch vụ du lịch và đất xây dựng các khu chức năng khác, đất dự trữ phát triển… Khu vực ngoài có diện tích 30.320ha, trong đó diện tích các khu chức năng hỗ hợp khoảng 1.320ha, bao gồm đất xây dựng các khu dân cư nông thôn, đất dịch vụ du lịch, đất xây dựng các khu chức năng khác, và đất dự trữ phát triển. Toàn Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình được phân thành 6 phân khu có diện tích tự nhiên là 52.200ha.

Tỉnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án. Đến nay, Khu du lịch có 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa, du lịch được cấp phép, hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.444 ha, tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư khoảng 3.303,9 tỷ đồng. Thu hút 11 dự án đầu tư phát triển du lịch, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 757 ha, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng trên 3.200 tỷ đồng. Các dự án có mục tiêu đầu tư đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, kết hợp trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa các dân tộc, du lịch tâm linh...

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cho Khu du lịch được đẩy mạnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, sản phẩm Khu du lịch. Tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip trong nước, quốc tế nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu, quảng bá về tài nguyên Khu du lịch… 

Quang Tuấn