Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

- Chủ Nhật, 25/12/2016, 11:37 - Chia sẻ
Ngày 24.12, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành đường thủy nội địa Việt Nam (11.8.1956-11.8.2016) và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Tự hào 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành

Ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, kể từ khi ban hành Nghị định số 70/NĐ ngày 11.8.1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện thành lập Cục Vận tải thủy – tiền thân của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đến nay, ngành đường thủy nội địa đã trải qua 60 năm xây dựng và phát triển. Trong 60 năm ấy, ngành đã trải qua nhiều giai đoạn đổi tên và thay đổi tổ chức, từ Cục Vận tải đường sông đến Liên hiệp Các xí nghiệp giao thông đường thủy, tái lập Cục Đường sông Việt Nam, đổi tên thành Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nhưng nhiệm vụ trọng tâm của ngành vẫn luôn là: khai thác hiệu quả các dòng sông, kênh, rạch, vùng hồ, duyên hải, quản lý phương tiện vận tải, thuyền viên, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trên phạm vi cả nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.


Ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phát biểu tại Lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất

Ghi nhận những thành tích và đóng góp to lớn của ngành đường thủy nội địa Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cán bộ, công nhân viên ngành nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Lao động (hạng Nhất, Nhì, Ba), Cờ Đơn vị lập công phá gỡ bom mìn giặc Mỹ, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Danh hiệu Anh hùng Lao động… cùng rất nhiều Bằng khen của Chính phủ. Thành tích đó khẳng định sự đoàn kết, nỗ lực hết mình của cán bộ, công nhân viên ngành đường thủy nội địa Việt Nam.

Những ngày đầu mới thành lập, ngành đường thủy nội địa Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu về đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt, phát huy mọi năng lực, loại hình vận tải sông để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần quan trọng vào công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế.

Trong những năm tháng chiến tranh, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ rà phá bom mìn, chống phong tỏa, nạo vét thông luồng và vận chuyển hàng hóa, lương thực, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động của Ngành đã có mặt trên các tuyến đường sông huyết mạch bất chấp mọi thủ đoạn phá hoại của kẻ địch.

Suốt chặng đường 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, mặc dù luôn phải đối mặt mọi khó khăn, gian khổ, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành đường thủy nội địa Việt Nam đã phấn đấu vượt qua thách thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng ngành đường thủy nội địa Việt Nam từng bước hội nhập và phát triển.

"Lịch sử ngành đường thủy nội địa Việt Nam gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc và lịch sử ngành giao thông vận tải. Nhìn lại chặng đường đã qua, cán bộ, CNVCLĐ ngành đường thủy nội địa Việt Nam vô cùng phấn khởi và tự hào với những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa nước nhà", Cục trưởng Hoàng Hồng Giang nhấn mạnh.

Tiếp tục tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm


Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa biểu dương những nỗ lực, cùng với những thành tích rất đáng tự hào của tập thể cán bộ, CNVCLĐ ngành đường thủy nội địa Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa hoan nghênh và chúc mừng những thành tích đạt được của ngành đường thủy nội địa Việt Nam, đã đóng góp không nhỏ giúp nâng cao vị thế và uy tín của Ngành, đồng thời đóng góp tích cực đến sự phát triển hệ thống giao thông vận tải Việt Nam, được các cấp, ngành ghi nhận, đánh giá cao, đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.
 
Bộ trưởng đánh giá, trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy đã được quan tâm đầu tư phát triển, đã từng bước thực hiện đầu tư một số tuyến chính nhằm phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc Bộ như các Dự án WB5, WB6... Tuy nhiên, hoạt động vận tải đường thủy Việt Nam cũng như đường thủy nội địa vẫn đang dựa vào tự nhiên là chính với phương thức vận tải mang tính truyền thống, việc kết nối các phương thức vận tải chưa đồng bộ dẫn đến chi phí, thời gian vận tải còn cao; đầu tư cho lĩnh vực đường thủy còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải trong giai đoạn hiện nay.
 
Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông, kênh rạch đa dạng và phong phú, với hơn 3.500 sông, suối, kênh rạch trên tổng chiều dài 80.500 km, gần 3.300km chiều dài bờ biển và 124 cửa sông ra biển (mật độ và chiều dài sông kênh của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 1 thế giới) – đó là nguồn tài nguyên lớn để phát triển vận tải thuỷ. “Chúng ta cần phải khai thác lợi thế này, cần thúc đẩy giao thông vận tải thủy phát triển mạnh hơn nữa để giảm áp lực lên giao thông đường bộ”, Bộ trưởng nói.
 
Cùng với đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay đòi hỏi ngành giao thông vận tải nhanh chóng phát triển, phải đi trước một bước tạo tiền đề cho sự phát triển chung của đất nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nước ta hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng không ít thách thức. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu ngành giao thông vận tải nói chung và ngành đường thủy nội địa nói riêng cần nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, nhanh chóng xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, đồng bộ, hiện đại ở các lĩnh vực khác nhau.
 
Định hướng phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trong thời gian tới cần quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giao thông đường thủy trong đó cần chú ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau: thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đường thủy nội địa để đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phân cấp triệt để trong quản lý nhà nước. Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu trong vận tải đường thủy nội địa phù hợp với tái cơ cấu của ngành giao thông vận tải và Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đảm bảo phù hợp Quy hoạch; huy động tối đa nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển đồng bộ giữa luồng tuyến, cảng bến, số lượng và chủng loại vận tải thủy theo cơ cấu hợp lý. Thứ ba, phát huy thế mạnh vận tải đường thủy nội địa theo hướng chủ yếu đảm nhận vận tải hàng dời khối lượng lớn, vận tải hàng siêu trường siêu trọng, vận tải phục vụ nông nghiệp và nông thôn, tăng dịch vụ, đảm nhận vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, vận tải container trên các hành lang chính. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đào tào nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tăng cường hiệu quả hoạt động của các đơn vị nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa; xây dựng tập thể đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ công chức, viên chức, thức hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch, tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Thứ năm, trước mắt, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cần khẩn trương triển khai kế hoạch năm 2017 ngay từ ngày đầu năm; tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển vận tải thủy; tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp với sự phát triển để khuyến khích thu hút nhà đầu tư; tham gia đánh giá tổng thể thực hiện xã hội hóa nạo vét luồng, tận thu sản phầm; đề xuất Bộ Giao thông Vận tải những giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian qua; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.
 
Phát huy truyền thống vẻ vang với bề dầy truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng và mong muốn, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục đổi mới, lập được nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong thời gian tới.
 
Tại buổi lễ, Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Nguyễn Thành Công - Chánh Văn phòng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2011-2015 góp phần vào sự ngiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.


Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa (phải) trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang, thay mặt CBCNVC Cục Đường thủy nội địa đón nhận

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa (phải) trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Nguyễn Thành Công - Chánh Văn phòng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
Tin, ảnh PV