Cùng vững vàng tiến bước

- Chủ Nhật, 04/08/2019, 09:03 - Chia sẻ
Năm 2015, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur, Malaysia, các nước thành viên ASEAN đã chứng kiến sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử của khu vực đó là việc ký Tuyên bố về thành lập Cộng đồng ASEAN, đồng thời chính thức thông qua và ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn ASEAN 2025, định hướng cho ASEAN trong 10 năm tới.

Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng

Kể từ thời điểm năm quốc gia sáng lập ký Tuyên bố ASEAN (Tuyên bố Bangkok), năm 1967, đến nay, ASEAN đã phát triển và mở rộng thành một cộng đồng gồm 10 thành viên, hướng tới mục tiêu đoàn kết tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á. Vượt qua những thách thức trong tiến trình phát triển suốt hơn nửa thế kỷ, trải qua quá trình xây dựng cộng đồng kéo dài hàng thập kỷ, ASEAN về căn bản đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất.

ASEAN ngày nay đã phát triển vượt xa những hy vọng và mong đợi của các bậc tiền bối. Sự hình thành cộng đồng chung đã chứng minh với thế giới rằng ASEAN có thể trở thành khối khu vực cạnh tranh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế. ASEAN một thị trường đứng thứ ba châu Á với hơn 650 triệu dân, chiếm 8,59% tổng dân số thế giới, GDP bình quân đầu người đạt 4.305 USD, dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 đưa ASEAN thành cộng đồng kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới, với tổng GDP 2.766 tỷ USD. Hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi sẽ tiếp tục là động lực cho những bước phát triển tích cực của khu vực. Tỷ lệ người sống dưới mức chuẩn nghèo quốc gia giảm một nửa trong hai thập kỷ. 

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN không có nghĩa là kết thúc quá trình xây dựng khu vực mà đây mới chỉ là sự khởi đầu. Giờ đây, nỗ lực đoàn kết và hội nhập đầy đủ trong ba trụ cột : Chính trị - an ninh, Kinh tế và Văn hóa - xã hội - cần phải tiếp tục tăng cường. Những thành tích và việc hình thành Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột không thể thực hiện một sớm một chiều và đó là lý do tại sao ASEAN xây dựng Tầm nhìn 2025 để tiếp nối lộ trình xây dựng cộng đồng (giai đoạn 2009 - 2015).

Trong Tầm nhìn đó, ASEAN cam kết hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, giúp họ được hưởng các quyền con người và tự do cơ bản, với chất lượng cuộc sống cao hơn cùng các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại, tăng cường sự gắn kết và bản sắc chung, trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN. Bên cạnh đó, Hiệp hội các nước Đông Nam Á mong muốn xây dựng một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức cũng như đưa ASEAN trở thành là một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình… 

Các nước thành viên ASEAN gần gũi về địa lý, nhưng đa dạng về chế độ chính trị, văn hóa, ngôn ngữ và trình độ phát triển, trải qua những thăng trầm lịch sử với những mục tiêu và vận mệnh chung đã dần dần thu hẹp khoảng cách, hài hòa khác biệt, “tính đa dạng phong phú đã đem lại sức mạnh và nguồn cổ vũ, giúp nhau xây dựng một ý thức cộng đồng mạnh mẽ”. Tất cả vì mục tiêu “một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”.

3 trụ cột quan trọng

Cộng đồng Chính trị - an ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa - xã hội chính là 3 trụ cột quan trọng của Tầm nhìn ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước mà các nhà lãnh đạo khu vực đã đề ra vào năm 2015 cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN. Tầm nhìn cam kết xây dựng “một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”.

Cộng đồng chính trị - an ninh gắn kết sâu rộng được xây dựng trên cơ sở những cam kết chính trị, những chuẩn mực ứng xử đã được thiết lập cũng như các nguyên tắc về đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ, pháp quyền, quản trị, liêm chính đã hình thành trong đời sống chính trị ASEAN.

Cộng đồng Kinh tế là sự phát triển cao hơn của Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), kế thừa những kết quả liên kết kinh tế nội khối và kết nối với kinh tế toàn cầu, thừa hưởng lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác. Cộng đồng Kinh tế tạo động lực phát triển cho nền kinh tế các nước thành viên, đem lại cho người dân những cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Các khuôn khổ, cơ chế và tập quán hợp tác, sẻ chia được hình thành trong các lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội, môi trường đến ứng phó các thách thức như bệnh dịch, ma túy, thiên tai… là các nhân tố định hình cho Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN, đưa Cộng đồng trở thành đại gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, chia sẻ và giúp đỡ nhau để cùng phát triển.