Tổng tuyển cử sớm tại Singapore

Cuộc bầu cử định hình bởi Covid-19

- Thứ Sáu, 26/06/2020, 08:17 - Chia sẻ
Vừa qua, Tổng thống Singapore Halimah Yacob đã quyết định giải tán Quốc hội để mở đường cho tổng tuyển cử sớm vào ngày 10.7 tới, theo đề nghị của Thủ tướng Lý Hiển Long. Nếu diễn ra đúng hạn, Singapore sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 4 năm sau, thời điểm chưa biết chắc đại dịch Covid-19 đã chấm dứt hay chưa.

Cuộc bầu cử khác biệt

Theo luật Singapore, Quốc hội có thể bị giải tán vào bất cứ thời điểm nào trước khi nhiệm kỳ 5 năm kết thúc, hoặc sẽ tự động bị giải tán vào cuối nhiệm kỳ. Sau khi ra quyết định giải tán Quốc hội theo khuyến nghị của Thủ tướng, Tổng thống Singapore sẽ ban hành Lệnh Bầu cử, quy định thời gian tổng tuyển cử. Theo Lệnh Bầu cử của Tổng thống Halimah Yacob, cuộc tổng tuyển cử sớm sẽ diễn ra vào ngày 10.7. Các ứng viên được tổ chức vận động tranh cử chính thức trong khoảng thời gian tối thiểu là 9 ngày và nộp đề cử vào ngày 30.6.

Nguồn: theborneopost.com

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, cuộc tổng tuyển cử lần này không giống bất cứ cuộc bầu cử nào mà Singapore từng trải qua, không chỉ bởi các biện pháp đặc biệt nhằm đối phó với dịch Covid-19, mà còn xuất phát từ bối cảnh và nhiều vấn đề hệ trọng. Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền từ năm 1959, khi Singapore giành độc lập từ Anh, do cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đồng sáng lập. PAP hiện giữ 83/89 ghế (được bầu theo khu vực bầu cử) trong Quốc hội.

Quốc hội Cộng hòa Singapore dựa trên hệ thống Westminster. Đây là Quốc hội đơn viện gồm các nghị sĩ được bầu thông qua bầu cử, các nghị sĩ không thuộc khu vực bầu cử (NCMPs) và các nghị sĩ được chỉ định (NMPs). Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015, 89 nghị sĩ và 3 nghị sĩ NCMPs đã được bầu vào Quốc hội Khóa XIII. 9 nghị sĩ NMPs được chỉ định trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội này.

Đảng cầm quyền tiếp tục thắng lớn?

Mặc dù là đảng cầm quyền chiếm gần hết số ghế trong Quốc hội, nhưng khó có thể nói PAP không có khó khăn gì trong cuộc bầu cử sắp tới. Trước hết, việc tổ chức bầu cử giữa lúc dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt có thể ảnh hưởng tới sự ủng hộ của người dân dành cho PAP. Vừa qua, Chính phủ Singapore đã bị mất điểm khá nhiều khi không hành động đủ mạnh để bảo vệ lao động nhập cư trong đại dịch, cho dù trước đó đã làm rất tốt và từng được coi là hình mẫu chống dịch Covid-19. Hiện nay, đảo quốc sư tử có hơn 42.432 ca nhiễm (số liệu đầu tuần) với 26 người tử vong, chủ yếu là người nhập cư.

Chắc chắn, dịch Covid-19 là yếu tố định hình cuộc tổng tuyển cử, bởi những thách thức mà nó đem đến có thể gây xáo trộn nhiều mặt kinh tế - xã hội, thay đổi cách sống của người dân và đe dọa sinh kế. Nhiều cử tri sẽ coi đây là cơ hội phán quyết cách điều hành của thế hệ lãnh đạo hiện tại, vốn được mệnh danh là nhóm lãnh đạo 4G (thế hệ lãnh đạo thứ 4).

Khó khăn tiếp theo được gọi tên là “một gia đình, hai đảng phái”, liên quan đến ngay cá nhân Thủ tướng Lý Hiển Long. Hôm 24.6 vừa qua, em trai ông là Lý Hiển Dương đã chính thức gia nhập đảng đối lập Tiến bộ Singapore (PSP). Ông này cho rằng, đảng cầm quyền đã “mất phương hướng” và khác xa so với Chính phủ Singapore thời cha ông làm Thủ tướng. Theo ông Lý Hiển Dương, Singapore tồn tại rất nhiều vấn đề như bất bình đẳng thu nhập, đói nghèo, quản trị, minh bạch, nhà đất… Thực tế, mâu thuẫn giữa những người con của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu bắt đầu nổ ra công khai từ năm 2017 xung quanh việc xử lý ngôi nhà cổ của gia đình. Tất nhiên, PSP khó có thể lật ngược thế cờ, nhưng đảng này có thể khiến thành tích giành gần 70% số phiếu của PAP trong kỳ bầu cử năm 2015 khó duy trì. 

Khó khăn kinh tế thời đại dịch là thử thách không thể bỏ qua đối với PAP. Nền kinh tế Singapore đang gặp khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích, việc làm và các vấn đề liên quan đến “bánh mỳ và bơ”, lương bổng, triển vọng sự nghiệp… sẽ đè nặng tâm trí cử tri trong cuộc bầu cử tới. Chính phủ Singapore đang phải chi hàng tỷ SGD để trợ cấp lương cho người lao động, tạo việc làm và tái đào tạo lao động trong một loạt gói ngân sách được đưa ra liên tiếp. Nước này đã phải rút “nguồn tiền lớn chưa từng có tiền lệ” từ dự trữ quốc gia.

Vì thế, các nhà bình luận nhận định, cử tri Singapore sẽ quyết định xem các cách tiếp cận trước đây đối với nền kinh tế có đủ để giải quyết thách thức phía trước hay không, hoặc cách điều hành của nước này có nên điều chỉnh cơ bản để đối mặt với tình hình mới. Chính phủ ước tính, GDP Singapore nhiều khả năng giảm trong khoảng 4 - 7% trong năm 2020. Thủ tướng Lý Hiển Long mới đây thừa nhận, “Singapore vẫn chưa cảm nhận được sự sụp đổ kinh tế đầy đủ từ Covid-19, nhưng nó đang đến”. Theo ông, mặc dù Singapore đã thực hiện tất cả các biện pháp, nhưng sẽ có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc bị trì hoãn hoạt động trong những tháng tới và thất nghiệp cũng tăng.

Nhưng dù kết quả cuối cùng như thế nào, cuộc bầu cử vào ngày 10.7 cũng là lần cuối Thủ tướng Lý Hiển Long tham gia. Vị lãnh đạo 68 tuổi này đã chèo lái Singapore từ năm 2004 và từng tiết lộ ý định sẽ trao quyền trước khi bước vào tuổi 70 vào tháng 2.2022. Người được kỳ vọng kế nhiệm ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat.

Thái Anh