Cuộc chiến không đơn giản

- Thứ Hai, 27/05/2019, 08:14 - Chia sẻ
Hơn 1 tỷ USD là thiệt hại do các vụ tham nhũng gây ra tại Nga chỉ tính riêng trong năm 2018. Với chính quyền của Tổng thống V.Putin, cuộc chiến chống lại tệ nạn này chưa bao giờ là dễ dàng.

Từ thực trạng

Là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, có nhiều thế mạnh về khai thác và chế biến các nguồn dầu khí, khoáng sản, kim loại… nhưng sau khi Liên Xô tan rã, nhiều khoảng trống quyền lực xuất hiện, tạo điều kiện không nhỏ cho việc tư hữu hóa tài sản quốc gia cũng như sự câu kết chặt chẽ giữa nhiều quan chức với giới tài phiệt và các trùm mafia.

Từ đầu thế kỷ XXI, thể chế phòng, chống tham nhũng mới được hình thành trở lại tại Nga. Do nhiều yếu tố tác động, nạn tham nhũng càng có nhiều cơ hội và trở nên trầm trọng hơn. Có những vụ án trọng điểm mà bị cáo là những người cầm cân nảy mực trong việc thực thi, bảo vệ pháp luật. Điển hình như vụ bắt giữ Đại tá Dmitry Zakharchenko, quyền Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Bộ Nội vụ Nga hồi tháng 9.2016. Tổng số tiền thu được từ các căn hộ riêng của ông này lên đến 9 tỷ ruble (khoảng 140 triệu USD). Theo đánh giá, số tiền này đủ chu cấp cho cả một thành phố nửa triệu dân hoặc phóng 4 tàu “liên hợp” lên vũ trụ, trong khi, thu nhập trung bình một năm của ông Zakharchenko chỉ khoảng 47.000 USD.

Cũng trong năm 2016, chỉ số minh bạch toàn cầu của Nga ở mức 131/176 quốc gia và vùng lãnh thổ, với điểm xếp hạng là 29. Còn theo báo cáo mới nhất lên cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 9.4 vừa qua, mức tổn thất từ các vụ án tham nhũng trong năm 2018 đã lên đến con số hơn 1 tỷ USD, cao hơn 66% so với năm 2017. Số lượng nhân viên tham nhũng do FSB phát giác đã tăng hơn hai lần chỉ trong năm 2018. Thực trạng nhức nhối trên không chỉ làm thất thoát giá trị tài sản lớn của quốc gia mà còn dẫn đến việc mất niềm tin trong dân chúng. Hầu hết người dân xứ Bạch Dương coi tham nhũng là một vấn nạn bám rễ và rất khó loại bỏ.

Đến quyết tâm

Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống V.Putin đã coi công cuộc chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhằm trong sạch bộ máy công chức và xã hội. Hàng loạt các biện pháp đã được áp dụng. Nga thành lập hàng loạt các cơ quan hành pháp như Hội đồng chống tham nhũng do Tổng thống và Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo. Riêng lĩnh vực điều tra, xứ sở Bạch Dương có bốn cơ quan độc lập gồm: Ủy ban Điều tra quốc gia; Ủy ban Điều tra của Bộ Nội vụ; Ủy ban điều tra của Ủy ban An ninh và phòng, chống tham nhũng; Ủy ban điều tra của Ủy ban Liên bang về chống buôn bán ma túy. Mỗi cơ quan điều tra thực thi nhiệm vụ riêng, đảm bảo tính độc lập.

Chính phủ của Tổng thống Putin cũng tiến hành chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, có sự nhúng tay của giới tài phiệt. Qua đó, phá vỡ sự kết hợp giữa giới quan chức cấp cao và các đầu sỏ trong thế giới ngầm, nhằm làm giảm sức mạnh và sự nguy hiểm của các đối tượng này.

Quan điểm của ông chủ điện Kremlin là chống tham nhũng phải phân biệt được những kẻ muốn lợi dụng cuộc chiến để thăng quan tiến chức với những người thực sự muốn triệt tiêu căn bệnh này. Chính bởi vậy, việc tập trung cải cách bộ máy nhân sự là quan trọng. Thời gian vừa qua, Nga đẩy mạnh định chế “sa thải do mất niềm tin” như một biện pháp chống tham nhũng hiệu quả. Các quan chức Nga có nghĩa vụ kê khai thu nhập hàng năm. Các thành viên trong gia đình công chức cũng phải kê khai tài sản, thu nhập và chi tiêu theo quy định, được công khai trên mạng điện tử. Trường hợp phát hiện quan chức có mức chi tiêu vượt quá số thu nhập mà không giải trình được nguồn tài chính, quan chức đó có thể bị sa thải và tài sản không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị Nhà nước thu hồi. Theo ông Aleksander Rusetsky, Trưởng phòng Giám sát thực thi pháp luật chống tham nhũng, Tổng Công tố Liên bang Nga, các công chức bị sa thải trong các trường hợp: Che giấu thông tin thu nhập, chi tiêu và tài sản, xử lý tiền sai quy định, nâng mức phí công tác, triển khai quá thời hạn và các sai phạm khác.

Đầu năm 2018, đích thân Tổng thống Putin đã ký ban hành luật quy định, tất cả các quan chức bị “sa thải do mất lòng tin” vì tham nhũng đều bị đưa tên vào hệ thống đăng ký trực tuyến trên toàn quốc. Hệ thống cho phép các cơ quan Chính phủ và công ty từ chối những ứng viên từng có tên trong “danh sách đen”. Thời hạn lưu trữ các thông tin này lên đến 5 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1.100 người có mặt trong danh sách này. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, cựu Bộ trưởng Nga Mikhail Abyzov, bị cơ quan An ninh liên bang bắt giữ vì biển thủ công quỹ và có nguy cơ phải nhận mức án 20 năm tù. Trước đó, ứng cử viên Tổng thống năm 2018 Pavel Grudinin cũng bị sa thải. Tất cả những động thái đó cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Nga là rất lớn. Tuy nhiên, mới chỉ là những bước đi ban đầu.

Ngọc Minh