Cuộc đua bát mã

- Thứ Bảy, 25/07/2020, 07:05 - Chia sẻ
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập và hoạt động từ năm 1995 với mục tiêu thiết lập, duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch. Vai trò quan trọng đó đồng nghĩa với việc bầu ra nhà lãnh đạo mới của cơ quan này luôn được cả thế giới quan tâm, nhất là trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại lớn vẫn bùng nổ trong thời dịch Covid-19.

Vì sao WTO phải bầu lãnh đạo mới?

Tháng 5 vừa qua, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, người Brazil, đã đưa ra thông báo bất ngờ rằng, ông sẽ rời nhiệm sở sớm hơn một năm vì lý do cá nhân. Ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ 7 năm - khoảng thời gian mà ông đã cố gắng thích nghi với sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người nhiều lần cáo buộc WTO đối xử “không công bằng”.

Hiện nay, trước tác động mạnh mẽ của Covid-19 đối với thương mại thế giới và nguy cơ tăng cường bảo hộ thương mại, nhiều người cho rằng một nhà lãnh đạo mới cho kỷ nguyên thương mại mới là cực kỳ quan trọng để bảo đảm vị thế của WTO như một trọng tài quốc tế về thương mại toàn cầu.

Cho tới nay, khung thời gian cho cuộc bầu cử chức danh lãnh đạo WTO vẫn chưa được quyết định. Ông Azevedo cho biết sẽ ra đi vào ngày 31.8, nhưng vị trí Tổng giám đốc WTO lại được bầu chọn bởi sự đồng thuận của 164 quốc gia thành viên, dựa trên khuyến nghị từ Ủy ban lựa chọn. Thực tế, WTO là tổ chức khá độc đáo, bởi vì mọi quốc gia đều có quyền phủ quyết. Vì vậy, trong số các ứng cử viên đang tranh cử, phải tìm được một người thực sự lọt được vào mắt xanh của tất cả 164 quốc gia. Đối với các nhà phân tích, điều quan trọng nhất nằm ở sự đồng thuận giữa những cường quốc hàng đầu trong thương mại quốc tế. Các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ , EU và Nhật Bản phải nhất trí với ứng cử viên mà họ sẽ làm việc cùng.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 8 cái tên đang nằm trong danh sách ứng cử viên cho chức Tổng Giám đốc WTO sắp tới. Đó là cựu Chủ tịch Đại Hội đồng WTO người Kenya Amina Mohamed; Cựu nhà ngoại giao Ai Cập Hamid Mamdouh; Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee; Cựu Bộ trưởng Kinh tế Ảrập Xêút Mohammed al-Tuwaijri; Cựu Tổng Giám đốc WTO người Mexico Jesus Seade; Cựu Ngoại trưởng Moldova Tudor Ulianovschi; Cựu Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala; và Bộ trưởng phụ trách thương mại quốc tế hậu Brexit đầu tiên của Anh Liam Fox.

Những ứng cử viên trên đến từ khắp nơi trên thế giới và tất cả đều dày dặn kinh nghiệm về thương mại toàn cầu, trong đó nhiều người từng đóng những vai trò quan trọng trong WTO.

 Tiềm năng thuộc về ai?

Những ứng cử viên sáng giá nhất đang nổi lên là bà Amina Mohamed- vốn là cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và thương mại quốc tế của Kenya và bà Ngozi Okonjo-Iweala - chuyên gia tài chính và phát triển quốc tế người Nigeria. Tuy nhiên, bà Amina dường như được yêu thích hơn.

Tiến sĩ Amina Mohamed từng giữ một số vị trí tại Liên Hợp Quốc và WTO. Bà từng là Đại sứ và Đại diện thường trực của phái đoàn ngoại giao Kenya tại Geneva trong giai đoạn 2000 - 2006. Tại WTO, bà từng điều hành Cơ quan Rà soát chính sách thương mại TPRB vào năm 2003 và Cơ quan Giải quyết tranh chấp WTO vào năm 2004. Năm 2005, bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử WTO trở thành Chủ tịch Đại hội đồng WTO. Trong chính quyền Kenya, bà đã trải qua các vị trí Ngoại trưởng (năm 2013) và Bộ trưởng Giáo dục (năm 2018). Bà từng được đề cử cho vị trí Tổng Giám đốc WTO vào năm 2013. Bà kêu gọi nỗ lực cải tổ WTO,  cho rằng các nỗ lực này cần phải bao trùm và không nên chỉ được quyết định bởi nhóm các nước phát triển.

Tuy nhiên, có một vấn đề là Kenya hiện đang giữ chức Tổng Thư ký của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển, tổ chức chị em với WTO. Vì thế, một số người đặt câu hỏi rằng liệu một quốc gia có thể kiểm soát hai tổ chức hay không? Có vẻ như câu trả lời là khá khó dù không phải không thể xảy ra.

 Thách thức gì chờ đợi tân lãnh đạo?

Cho dù chưa thể tiên đoán chắc chắn được ai sẽ tiếp quản chiếc ghế Tổng Giám đốc WTO, nhưng những thách thức mà tân lãnh đạo tương lai phải đối mặt thì không khó liệt kê ngay từ bây giờ.

Thách thức dễ nhận thấy nhất chính là sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đặc biệt là mối lo về  xu hướng dịch chuyển từ trào lưu chính thống thị trường tự do sang chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Mặc dù cho đến nay, thế giới vẫn chưa phải chứng kiến sự gia tăng ồ ạt các biện pháp bảo hộ, nhưng nhiều quốc gia đang áp dụng các biện pháp phục hồi từ đại dịch Covid-19, trong đó tập trung vào bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương và hạn chế nhập khẩu nước ngoài. Như vậy, nhiệm vụ cân bằng lợi ích tại WTO sẽ “cực kỳ nhạy cảm" và không hề dễ dàng.

WTO đang phải đối mặt với sự đe dọa rút khỏi cơ quan này của Mỹ. Nhưng bất chấp những lời lẽ lớn tiếng của Tổng thống Donald Trump, nhiều nhà phân tích không thấy sự rút lui chắc chắn của xứ sở cờ hoa. Họ cho rằng, chiến thuật của chính quyền Mỹ tương tự như biện pháp đã sử dụng với Trung Quốc và châu Âu, nghĩa là nếu Mỹ không thích thỏa thuận, họ cơ bản sẽ phá vỡ nó để buộc các quốc gia khác phải đàm phán theo những điều khoản của riêng nước này. Vì vậy, lãnh đạo tương lai của WTO sẽ phải giúp làm trơn tru các chiến thuật đàm phán bướng bỉnh như vậy.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng phải đối mặt với áp lực phải cải cách WTO trong bối cảnh thế giới đang diễn những thay đổi đáng kể về địa chính trị và thương mại. Làm thế nào để thay đổi cuốn sách quy tắc chưa được sửa đổi đáng kể trong hai thập kỷ qua?

Hiện nay, cả 8 ứng cử viên trong cuộc đua đều có những quan điểm gần như giống hệt nhau về cách tổ chức đa phương này cần phải cập nhật cuốn sách quy tắc của mình. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, về cơ bản, vị trí Tổng Giám đốc có rất ít tiếng nói trong chương trình cải cách. Rốt cuộc, chính các quốc gia thành viên mới là người đưa ra quyết định. Hơn nữa, các quy tắc thương mại mới có khả năng mất cả một thập kỷ để đàm phán giữa các quốc gia thành viên. Điều đó có nghĩa là một phẩm chất mà tổng giám đốc tiếp theo chắc chắn sẽ phải sở hữu: Tính kiên nhẫn.

Thái Anh