Dịch thuật văn học

Cuộc phiêu lưu mới

- Thứ Sáu, 18/01/2019, 08:16 - Chia sẻ
Không đơn thuần là sự phiên chuyển ngôn ngữ, công việc của dịch giả luôn bị đặt trước nhiều thử thách về không gian và thời gian, rào cản về văn hóa, chính trị và ngôn ngữ… Song, thử thách thực sự lớn với họ không nằm ở áp lực xã hội mà ở khả năng đối diện những điều tưởng như đơn giản trong bản gốc lại không hề hiện diện ở bản dịch.

Người xưa có câu “Tam sao thất bản”, hàm ý về sự biến đổi thường trực như một trong những đặc tính của quá trình dịch chuyển một văn bản trong không gian và thời gian. Đó là sự dịch chuyển từ nước này sang nước khác, từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, từ thời đại này sang thời đại khác… Mỗi quá trình dịch chuyển đó được người đảm trách công việc “sao lục” văn bản thực hiện. Họ có thể là người chép thuê, có thể là người chuyển ngữ mà ngôn ngữ hiện đại gọi là dịch giả. Tại tọa đàm “Lối đi nào cho bản dịch văn chương” mới đây, các dịch giả đồng ý với quan niệm dịch thuật không hẳn chỉ dừng ở việc tái diễn giải và người dịch như người diễn giải.

Theo TS. Trần Ngọc Hiếu (Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), một cuốn sách chuyên ngành có ý nghĩa là qua cuốn sách đó người đọc học hỏi được điều gì cụ thể ở tác giả, xa hơn cuốn sách đó phải kích thích suy nghĩ tiếp, thậm chí phải nghĩ khác những gì tác giả viết. “Quá trình đọc và nghiên cứu các tác phẩm văn học dịch khiến tôi phải hình dung lại định nghĩa về dịch thuật. Lâu nay chúng ta hay nghĩ, dịch thuật đơn giản là chuyển ngữ, song sâu xa hơn, mỗi tác giả đã trao cho dịch thuật một địa vị, bởi mỗi bản dịch ngoài ý nghĩa là sự diễn giải bản gốc, nguyên tác, còn là sự tái diễn giải với diện mạo và sắc thái khác nhau”.

Các dịch giả đồng tình khi cho rằng dịch văn học là công việc vô cùng khó khăn và phức tạp, không đơn giản là chuyển một lượng thông tin sự vật mà quan trọng hơn là lượng thông tin thẩm mỹ. Với TS. Trần Ngọc Hiếu, “quan trọng hơn nữa, lượng thông tin thẩm mỹ này với nhiều người là bất khả dịch, nhưng nó lại trao cơ hội cho người dịch tái tạo bản gốc trong thứ tiếng mà mình sử dụng. Có thể hiểu, bản dịch trao cho nguyên tác một cuộc phiêu lưu mới, cuộc phiêu lưu trong đời sống văn hóa”. Còn theo PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, bản dịch là những tiếp cận gần nhất, mang nhiều hàm lượng thông tin, có những điều tưởng như đơn giản trong bản gốc lại không hề hiện diện ở văn bản dịch.

Thực tế có nhiều hiện tượng văn học sống động thông qua các hoạt động của dịch giả trong văn hóa Việt Nam. Năm 2018 kỷ niệm 30 năm bản dịch “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Marquez sang tiếng Việt. TS. Trần Ngọc Hiếu tiếc nuối, giá như Viện Văn học tổ chức sự kiện này, bởi với bản dịch của Nguyễn Trung Đức, tác giả Gabriel Garcia Marquez và các nhân vật trong “Trăm năm cô đơn” đã có một hành trình, một đời sống lạ kỳ. “Một cuốn tiểu thuyết tưởng chừng rất khó đọc, nhưng từng có thời kỳ người bình dân cũng mê mải đọc nó. Người ta có cảm giác, điều mà giới nghiên cứu quan tâm không giống hoàn toàn với suy nghĩ của giới bình dân, đó là những cảnh đời trần trụi nhất được họ mường tượng đến sau khi đọc. Hay như “Truyện Kiều” hoàn toàn có thể xem đây là cách Nguyễn Du diễn giải và thậm chí biến dạng nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân. Việc dịch đã không mang sắc thái quay trở về bản gốc, mà ở khía cạnh nào đó nó có một địa vị tương đối thú vị, trao cho bản gốc một đời sống mà nếu không qua dịch thuật sẽ không có.

Dịch thuật rõ ràng có nhiều điều thú vị qua khối lượng lớn tác phẩm hiển hiện trên thị trường văn học. Thông thường trên các bản dịch, người dịch thường đưa vào suy nghĩ, thói quen, sở thích… của cá nhân. Theo TS. Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn học), các bản dịch nên được khảo sát từ các yếu tố nhỏ nhất, trước hết là các đại từ. Đại từ trong tiếng Việt vô cùng sinh động, đặt trong các văn bản tự sự, các đại từ liên quan đến thái độ của người kể với nhân vật, với thế giới mà nhà văn xây dựng. Do đó, lựa chọn đại từ cũng phản ánh người dịch nghĩ như thế nào về nhân vật, tưởng tượng về thế giới do họ tạo ra.

TS. Trần Ngọc Hiếu đồng tình: Nếu ai từng dịch sách, nhất là dịch văn học, sẽ thấy sự phong phú của đại từ tiếng Việt, đặc biệt là đại từ ngôi thứ 3 và xu hướng khó trung tính hóa các đại từ. Nó khiến cho người dịch khó dịch thành công tác phẩm, như nhà văn Phạm Thị Hoài, tác giả của các câu chuyện trinh thám, từng nói: “Các đại từ trong tiếng Việt đã làm công việc phá án ngay từ trang đầu tiên!”.

“Khi nghiên cứu một bản dịch cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, bởi vấn đề của dịch giả không chỉ là dịch đúng hay dịch sai, mà phải nghĩ xem sử dụng từ ngữ của nhà văn có thể tạo ra một thế giới nghệ thuật khác so với bản gốc, hơn nữa cũng cần xem sự khác ấy có đi vào đời sống văn học Việt Nam hay không. Đó chính là thách thức cho các dịch giả Việt Nam, giống như “cuốn sách đẹp nhất là cuốn sách không nói gì cả”. Trên thực tế, qua bản dịch người đọc không thể nhận ra những ứng xử phức tạp hơn, mà chỉ quan tâm đến những gì diễn giả tái diễn” - TS. Trần Ngọc Hiếu chia sẻ.

Hồng Hà