Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)

Đã có luật chơi đầy đủ, bình đẳng

- Thứ Hai, 22/06/2020, 08:36 - Chia sẻ
“Luật PPP ra đời có ý nghĩa rất lớn đối với nhà đầu tư tư nhân bởi hệ thống thể chế đã hoàn chỉnh (trước đây chỉ có Nghị định). Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư đã có một luật chơi đầy đủ, bình đẳng, trong đó thể hiện những cam kết của Nhà nước với các nhà đầu tư cũng như quy định các nguyên tắc mà nhà đầu tư cần tuân thủ để dự án PPP được triển khai một cách ổn định, lâu dài”. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) TRẦN CHỦNG nói.

 Đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của nhà đầu tư

- Thưa ông, việc Quốc hội thông qua Luật PPP ngay lần đầu tiên trình lên có ý nghĩa như thế nào đối với thu hút đầu tư tư nhân?

- Trước tiên, Luật PPP ra đời có ý nghĩa rất lớn đối với nhà đầu tư tư nhân bởi hệ thống thể chế đã hoàn chỉnh (trước đây chỉ có Nghị định). Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư đã có một luật chơi đầy đủ, bình đẳng, trong đó thể hiện những cam kết của Nhà nước với các nhà đầu tư cũng như quy định các nguyên tắc mà nhà đầu tư cần tuân thủ để dự án PPP được triển khai một cách ổn định, lâu dài. Luật PPP ra đời sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc mà trước đây cấp độ Nghị định không thể giải quyết được như: Cam kết của Nhà nước về bảo lãnh, chia sẻ rủi ro trong PPP.

Thứ hai, khi Luật PPP ra đời tạo được kênh để xã hội yên tâm đầu tư vốn, góp vốn vì các nhà đầu tư theo hình thức PPP thường chỉ có 20% là vốn chủ sở hữu và có đến 60% là vốn huy động. Trước đây, nguồn vốn này chủ yếu đến từ ngân hàng, sắp tới nếu không có những kênh khác để huy động vốn như các quỹ đầu tư thì sẽ là khó khăn thực sự đối với các nhà đầu tư. Luật PPP sẽ giải tỏa những khó khăn này.

Ngoài ra, Luật PPP sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể để khai thác nguồn lực từ bên ngoài, tạo cơ chế thoáng hơn khi muốn huy động vốn. Luật PPP ra đời với cơ chế lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch sẽ giúp chọn được những nhà đầu tư thực sự có năng lực, loại bỏ được các nhà đầu tư “0 đồng” hoặc nhà đầu tư quan hệ. Đặc biệt những quy định về lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án, các thủ tục thẩm định, nguyên tắc quản lý… sẽ tạo ra các sản phẩm được nhân dân chấp nhận.

Cũng cần nhấn mạnh thêm, sự kiện Luật PPP được Quốc hội thông qua ngay lần đầu trình thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc của cơ quan soạn thảo, sự vào cuộc trách nhiệm chuẩn mực của cơ quan thẩm định, sự trân trọng, nghiêm túc tham vấn ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội. Đây sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP.

- Nội dung Luật PPP vừa được thông qua đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của các nhà đầu tư, trong đó có thành viên VARSI chưa, thưa ông?

- Các thành viên VARSI coi mình là chủ thể và đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của Luật PPP. Ý thức được điều này, chúng tôi rất tích cực tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện Luật.

Để có những góp ý khách quan, khoa học, Hiệp hội đã tập hợp ý kiến của các nhà đầu tư trong nước thông qua những đợt khảo sát thực tiễn 12 dự án hạ tầng giao thông đường bộ trải dọc đất nước từ Cần Thơ tới Quảng Ninh, trong đó có 10 dự án đầu tư áp dụng phương thức PPP. Đồng thời, Hiệp hội chủ động tổ chức các đợt khảo sát và tọa đàm với đối tác quốc tế để học tập thêm kinh nghiệm làm PPP của các nước trên thế giới. Thông qua đó, Hiệp hội đã có cái nhìn đa chiều hơn, tổng quát hơn, khách quan hơn để góp ý cho dự thảo Luật, được các cơ quan soạn thảo và thẩm định trân trọng tiếp thu. Về cơ bản, Luật đã đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của các nhà đầu tư.

- Chia sẻ rủi ro trong PPP là vấn đề được các nhà đầu tư rất quan tâm. Vậy với Luật PPP này, vấn đề chia sẻ rủi ro đã hài hòa?

- Đối với nhà đầu tư, đây là nội dung được bàn thảo khá nhiều. Chúng tôi cơ bản đồng tình với quy định trong Luật (cơ chế chia sẻ tăng (doanh thu tăng trên 125%) và cơ chế chia sẻ giảm (doanh thu giảm dưới 75%) để giảm thiểu rủi ro cho dự án PPP).

Cũng cần nhấn mạnh, bản chất của các dự án PPP là Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân cùng ký hợp đồng để phân chia lợi ích, rủi ro cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng công trình hay cung cấp một dịch vụ công nào đó. Vì vậy, trong các hợp đồng PPP cần quy định nguyên tắc chia sẻ lợi ích và phải chia sẻ rủi ro (lý do bất khả kháng), đặc biệt các rủi ro do phía Nhà nước gây ra. Chúng tôi rất mong được thảo luận chi tiết vấn đề này trong các văn bản hướng dẫn Luật PPP thời gian tới.

Luật PPP tạo sân chơi đầy đủ, bình đẳng cho nhà đầu tư tư nhân tham gia   

 Nguồn Báo Đầu tư

Phải gỡ được vốn cho PPP

- Luật PPP đã chính thức bỏ loại hình đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao), các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ phải dừng thực hiện từ ngày 15.8 tới. Ông bình luận gì về điều này?

- Cách làm BT vừa qua chủ yếu áp dụng hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” đã để lại nhiều hệ lụy. Vì do không thanh toán bằng tiền nên việc công khai, minh bạch rất khó và dễ tạo điều kiện phát sinh tiêu cực. Mặt khác, dự án BT không phù hợp với chính sách PPP vì không có yếu tố tranh thủ vốn đầu tư dài hạn của tư nhân cũng như công nghệ quản trị tiên tiến của khu vực này. Vì vậy, VARSI đồng ý bỏ hình thức hợp đồng BT ra khỏi phương thức đầu tư PPP bởi “luật chơi” không rõ ràng.

- Để Luật PPP sớm đi vào cuộc sống, theo ông, những việc nào cần làm ngay?

- Các cơ quan biên soạn văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) cần sớm tập trung hoàn thiện và cũng cần tham vấn ý kiến chuyên gia cùng nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư công trình đường bộ giao thông Việt Nam trước khi ban hành để tránh các xung đột không cần thiết cản trở Luật đi vào cuộc sống.

Rào cản lớn và khó khăn đối với các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia dự án PPP là huy động vốn tín dụng. Hệ thống ngân hàng nhiều lần lên tiếng không ưu tiên cho vay các dự án PPP. Họ cũng phát đi thông điệp rằng hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT đã chạm ngưỡng tối thiểu về hệ số an toàn vốn. Tuy vậy, tổng nợ của các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực giao thông tính tới tháng 2.2020 chỉ chiếm 1,24% tổng dư nợ tại các ngân hàng thương mại. Vì vậy, Hiệp hội đang đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ cho vay các dự án PPP, nâng hạn mức vay trung và dài hạn hoặc Chính phủ phát hành trái phiếu công trình để hình thành các quỹ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Như vậy, Nhà nước phải có chính sách cụ thể tiến tới hình thành, phát triển thị trường vốn.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện