Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Đa dạng hóa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 05:09 - Chia sẻ
Đến cuối năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 7 huyện, thị xã và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong điều kiện các địa phương còn nhiều khó khăn, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách, thành phố chủ trương đẩy mạnh việc huy động nguồn xã hội hóa, khuyến khích sự chung tay giúp sức của các quận nội thành.

Huy động được hơn 56, 5 nghìn tỷ đồng        

Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, được thành phố đặc biệt quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn. Theo báo cáo của VPĐP Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6.2020, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số -2-CTr/TU của Thành ủy là 56.512,8 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM vào khoảng 11.795 tỷ đồng. Con số trên là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo Hà Nội đối với chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Trần Thanh Nam cùng Đoàn công tác thăm mô hình xây dựng NTM nâng cao tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội Ảnh: Tường Vy

Báo cáo của VPĐP Chương trình xây dựng NTM Hà Nội cho thấy, đến nay, toàn thành phố đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, 355/382 xã được UBND thành phố công nhận xã NTM, 13 xã được công nhận xã NTM nâng cao. Đời sống các hộ nông dân không ngừng được cải thiện với mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 51,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,69%. Trong đó, 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm và Hoài Đức không còn hộ nghèo. Song song với việc chỉ đạo các huyện, xã xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu của thủ đô. Từ đó, có đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng mô hình, cách làm trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về chương trình xây dựng NTM ngày càng được nâng cao. Theo đó, người dân và cộng đồng doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm cao, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của khi có sự huy động từ chính quyền địa phương. Cũng theo số liệu báo cáo của VPĐP Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn xã hội hóa huy động được từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân cho xây dựng NTM toàn thành phố đạt hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng đóng góp của nhân dân bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi gần 2.000 tỷ đồng.

Gia đình ông Phạm Văn Xuyến (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh) là một trong những gương điển hình tiêu biểu trong xây dựng NTM của thành phố Hà Nội. Từ khi bắt đầu thực hiện phong trào xây dựng NTM, gia đình ông đã đóng góp 767 triệu đồng làm đường giao thông; xây cống, rãnh thoát nước; xây dựng nhà văn hóa xóm; cung tiến Lư đồng vào Đình thôn Bồng Mạc. Với vai trò là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Liên Mạc, ông Xuyến vận động các hội viên tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, trồng cây xanh để giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp; xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể dục - thể thao để nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho hội viên và cộng đồng dân cư; đồng thời, động viên con cháu góp công, góp của để cùng địa phương xây dựng NTM. Tương tự, gia đình anh Phạm Đình Thiện (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức), từ năm 2012 đến nay đã hiến hơn 70m2 đất thổ cư để xây dựng công trình di tích lịch sử và đóng góp khoảng 1 tỷ đồng tiền mặt thực hiện các phong trào của địa phương. Anh Phạm Đình Thiện từng chia sẻ: “Chương trình NTM đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, để xóm làng và cả con người vùng nông thôn của thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Những đóng góp của chúng tôi vừa vì sự phát triển của quê hương, vừa vì tương lai của con cháu sau này”.

Phó Chánh văn phòng Thường trực VPĐP xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí chia sẻ, nhờ phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, đến nay thành phố đã huy động được hàng nghìn hộ dân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ chương trình xây dựng NTM. Hà Nội phấn đấu hết năm 2020 có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt NTM nâng cao và ít nhất 5 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM. Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, đòi hỏi về nguồn lực đầu tư rất lớn. Chính vì vậy, bên cạnh nguồn hỗ trợ của thành phố, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của các cấp, ngành, địa phương là tăng cường thông tin, tuyên truyền để huy động đa dạng nguồn lực, đặc biệt là nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm các mục tiêu đã đề ra.

Khuyến khích sự vào cuộc của các quận nội thành

Trong những năm qua, nguồn lực từ sự hỗ trợ của các quận nội thành đã giúp nhiều địa phương của Hà Nội hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Tại hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, từ năm 2016 đến nay, toàn bộ 12 quận thuộc thành phố đã tham gia hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 713 tỷ đồng. Khẳng định đây là nguồn lực quan trọng trong xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã yêu cầu VPĐP Chương trình xây dựng NTM phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh chương trình “nội thành hỗ trợ ngoại thành”, nhằm tiếp thêm động lực để các địa phương đẩy nhanh tiến độ, về đích đúng hẹn.  

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương cho biết, từ năm 2016 đến nay, huyện Mỹ Đức đã tiếp nhận hỗ trợ từ 5 quận để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa với tổng kinh phí là 92,5 tỷ đồng. Trong đó, quận Long Biên hỗ trợ xây dựng trường THCS Mỹ Thành, kinh phí 25 tỷ đồng; quận Ba Đình hỗ trợ xây dựng trường Tiểu học Hợp Tiến B, kinh phí 15 tỷ đồng; quận Hoàng Mai hỗ trợ nâng cấp trường THCS Phù Lưu Tế, kinh phí 30 tỷ đồng; quận Nam Từ Liêm hỗ trợ xây dựng trường THCS Xuy Xá, kinh phí 20 tỷ đồng; quận Hà Đông hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn Áng Thượng, xã Lê Thanh; nhà Văn hóa thôn Phúc Lâm Trung, xã Phúc Lâm, kinh phí 2,5 tỷ đồng. “Sự hỗ trợ của các quận nội thành đã giúp sức rất lớn để các xã của huyện Mỹ Đức đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Trong năm 2020, các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng đã có kế hoạch hỗ trợ Mỹ Đức, đây là động lực và cũng là cơ sở để chúng tôi phấn đấu đưa 7 xã còn lại về đích NTM” - Bà Hương chia sẻ.

Mặc dù chương trình “nội thành hỗ trợ ngoại thành” của Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực, nhưng trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2020 chương trình này bị tạm dừng do một số vướng mắc trong Luật Ngân sách, khiến không ít địa phương gặp khó trong thực hiện tiêu chí NTM. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô, trong đó có nội dung cho phép các quận nội thành chủ động dành tài chính hỗ trợ các huyện khó khăn xây dựng NTM. Theo đó, Phó Chánh Văn phòng Thường trực VPĐP Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định: “Từ nghị quyết của Quốc hội, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình nội thành hỗ trợ ngoại thành xây dựng NTM. Đây sẽ là những điều kiện rất thuận lợi, tạo động lực để một số huyện, thị xã phấn đấu về đích NTM trong năm 2020”.

Đào Cảnh