Đà Nẵng khắc phục hậu quả do mưa lớn bất thường

- Thứ Hai, 10/12/2018, 09:23 - Chia sẻ
Trận mưa lớn bất thường từ đêm 8.12 đến rạng sáng 9.12 khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư TP Đà Nẵng rơi vào tình trạng ngập lụt cục bộ. Đời sống nhân dân, đặc biệt là tình hình giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều chuyến bay đi và đến Sân bay Quốc tế Đà Nẵng phải hủy bỏ…

Lượng mưa lên tới 400mm

Theo báo cáo từ Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, khu vực các quận nội thành Đà Nẵng có mưa rất to với lượng mưa đo được từ 3 giờ sáng đến 7 giờ sáng ngày 9.12 phổ biến từ 300 - 400mm, đặc biệt, lượng mưa đo được tại đường Trưng Nữ Vương lúc lớn nhất lên tới 436,6mm. Lượng mưa quá lớn, vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống mương, cống, đồng thời lượng rác đổ về bất thường, làm hẹp tiết diện miệng cống cũng là nguyên nhân gây ngập lụt. Đối với tuyên kênh thoát lũ xã Hòa Liên, mực nước trong kênh luôn ở mức cao và chưa có sự cố ngập. Doanh nghiệp vận hành trực ban với 100% quân số, tập kết phương tiện tại một số khu vực theo phương án PCLB để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán dân nếu cần.


Theo ghi nhận lúc 8 giờ sáng ngày 9.12, các tuyến đường ở khu vực trung tâm của quận Hải Châu và Thanh Khê đều đã bị ngập nước. Nhiều đoạn đường và nút giao thông bị ngập sâu tới gần 1m, nhất là tại các nút giao: Hàm Nghi - Hùng Vương - Hoàng Hoa Thám, Lê Đình Lý - Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, Núi Thành - Duy Tân, Đống Đa - Lý Tự Trọng... Một số khu vực quận Ngũ Hành Sơn như nút giao đường Nguyễn Đức Thuận và đường Võ Nguyên Giáp, Khu K20 cũng bị ngập lụt nặng… Đặc biệt, hầm chui nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ phải đóng cửa lúc 6 giờ vì hầm ngập sâu. Lực lượng chức năng phải chốt trực hướng dẫn phương tiện không qua lại để bảo đảm an toàn. Đến trưa ngày 9.12, hầm chui Nguyễn Tri Phương mới được xử lý bơm thoát nước xong và hoàn trả lại giao thông khu vực.

Chị Đỗ Mỹ Linh (Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) cho biết, mưa to bắt đầu xuất hiện từ khoảng 2 giờ sáng. Do lượng nước mưa quá lớn nên tới 4 giờ sáng, nước bắt đầu tràn vào nhà. Nhiều gia đình hàng xóm của chị Linh không kịp trở tay nên nhiều đồ dùng trong gia đình bị ướt, hư hỏng. Cá biệt, tại một số chung cư có hầm để phương tiện, một lượng lớn xe hơi và xe máy đã bị hư hại nặng nề. “Cũng may mà trúng Chủ nhật ngày nghỉ nên gia đình có người ở nhà xử lý, vệ sinh nhà cửa. Mưa lớn chỉ hai giờ đồng hồ mà khủng khiếp như vậy”, chị Mỹ Linh nói. Đến 6 giờ mưa mới ngớt và khoảng 8 giờ thì nước không còn dâng lên, các gia đình cơ bản xử lý xong vấn đề ngập nước tại chỗ.

Dốc toàn lực khắc phục

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đi thị sát cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường từ khá sớm. Trao đổi với phóng viên tại khu vực Công viên châu Á, ông Thơ khẳng định đã chỉ đạo các địa phương, sở, ngành huy động toàn bộ lực lượng xử lý ngay các đường thoát nước, bất kể lớn nhỏ. Từ việc vớt bèo, vớt rác, khơi thống cống rãnh... đều phải có sự hiện diện của người đứng đầu các cấp, các ngành. “Thành phố bị ngập có nguyên nhân lớn là do hệ thống cống thoát nước bị rác chắn hết. Chỉ đạo đầu tiên của tôi là các ngành, địa phương phải tuyên truyền và giữ an toàn tính mạng tuyệt đối cho người dân, kế đó mới đến tài sản”.

Rạng sáng 9.12, cửa xả Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) bị vỡ miệng cống, nước tràn ra bãi biển Đà Nẵng. Mưa lớn đã xé toạc bờ kè cát phía bên dưới cửa xả này. Mặc dù đã mở hết các cửa van nhưng không xả kịp. Một số đoạn bờ biển tại khu vực này bị sạt lở nặng. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Hùng cho biết: “Trước tiên, riêng khu vực bờ này, toàn bộ bờ cát cho gia cố lại, quan trọng nhất là công tác nạo vét xử lý rác thải  tràn ra biển phải làm ngay tại vị trí các cửa xả, phải trực 24/24 để kịp thời mở cửa xả tránh trường hợp nước tràn vào nhà dân”.

Giải pháp trước mắt, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải bố trí nhân lực, phương tiện khơi thông các cửa thu nước trên mặt đường, các tuyến cống chính, đã vận hành kịp thời các cửa xả ven biển, ven sông, trạm bơm (cửa xả Mỹ An, trạm bơm Thuận Phước, trạm bơm Trương Chí Cương…), góp phần hạn chế tình trạng ngập úng tại khu vực. Các Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị triển khai giải pháp bảo đảm an toàn các công trình xây dựng chuyên ngành. Các địa phương triển khai cảnh báo, tổ chức giao thông nhằm hướng dẫn người dân, phương tiện đi lại bảo đảm an toàn.

Theo dự báo, mưa rất to và gây nguy cơ ngập lụt trên diện rộng vẫn tiềm tàng trong 1 - 2 ngày tới. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện khẩn trương huy động các lượng triển khai ngay phương án chống ngập lụt, tập trung khơi thông cống, mương; gia cố công trình xây dựng bảo đảm an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do ngập lụt gây ra. 

Lê Tùng