Đà Nẵng, Quảng Nam đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT

- Thứ Sáu, 31/07/2020, 18:10 - Chia sẻ
Ngày 31.7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 với 63 tỉnh, thành phố. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đã có nhiều thắc mắc và kiến nghị, trong đó Quảng Nam và Đà Nẵng đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho học sinh trong toàn tỉnh nếu dịch bùng phát.

Đề xuất 3 kiến nghị
Đà Nẵng là địa phương có ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch hiện nay, cả hệ thống chính trị của Đà Nẵng đang dồn hết tâm sức để phòng chống dịch. Chia sẻ tại cuộc họp, trưởng ban chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, đến nay, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các phương án chuẩn bị cho kỳ thi tuy nhiên tâm lý của phụ huynh và học sinh rất lo lắng, hoang mang trước tình hình này. Trước diễn biến tình hình phức tạp, Đà Nẵng vẫn quan trọng nhất là tính mạng và sức khỏe của học sinh lên hàng đầu. Do đó, Đà Nẵng đề xuất Bộ GD-ĐT xem xét dừng thi tại Đà Nẵng để xét đặc cách tốt nghệp cho các thí sinh ở Đà Nẵng. Trường hợp có thí sinh có nguyện vọng xét đại học thì Bộ GD-ĐT có chỉ đạo hướng dẫn hình thức phù hợp đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh", ông Lê Trung Chinh đề xuất. 
Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2020, Quảng Nam có gần 17.000 thí sinh, 721 phòng thi. Tuy nhiên, giống như Đà Nẵng thì tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Quảng Nam rất phức tạp, đến nay đã giãn cách đối với thành phố Hội An và 4 huyện, thị xã. Do vậy, tỉnh Quảng Nam có đề xuất tới Bộ GD-ĐT 3 kiến nghị: Một là, tiếp tục để cho tỉnh Quảng Nam chủ động rà soát các nội dung công việc, căn cứ vào tình hình thực tế thì ngày 6.8 nếu tình hình dịch bệnh không bùng phát, kiểm soát cơ bản thì tỉnh Quảng Nam tổ chức thi như các tỉnh khác. Đến nay Quảng Nam đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đến nay chưa cán bộ, giáo viên, học sinh nào nhiễm hoặc nghi nhiễm nhưng diễn biến phức tạp nên đề xuất cho Quảng Nam rà soát và chủ động đề xuất. Thứ hai, đề xuất cho Quảng Nam thi sau nếu tình hình phức tạp, thi sau 1 tháng (tức tháng 9) bằng đề thi dự bị của Bộ GD-ĐT. Thứ ba, diễn biến phức tạp thì cho Quảng Nam xét đặc cách tốt nghiệp.

Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ ghi nhận kiến nghị và sẽ tiếp tục bám sát tình hình của địa phương để xây dựng phương án phù hợp. Trong thời gian chờ đợi, địa phương cần tiếp tục công tác phòng chống dịch bệnh an toàn. 

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến của Bộ GD-ĐT với 63 tỉnh, thành phố.

Cần hướng dẫn cụ thể về phương án dự phòng

Hà Nội là một trong các địa phương có đông thí sinh nhất cả nước nhưng tới thời điểm này đã hoàn tất việc chuẩn bị thi. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể. Ví dụ như các điểm thi cần sát khuẩn, thí sinh cần đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách trong phòng thi, đảm bảo phân luồng khi thí sinh ra vào điểm thi để không lây nhiễm chéo. Ngoài ra, phương án phân loại thí sinh, tổ chức điểm thi riêng cho đối tượng F1, F2 như thế nào? Những việc này cần có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết ban chỉ đạo thi TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo bố trí các phòng thi cách ly trong 115 điểm thi. Để dự phòng số thí sinh F1, F2 nếu đông, TP Hồ Chí Minh đã có một trường THCS làm điểm thi dự phòng để khi cần sẽ tổ chức điểm thi riêng. Tuy nhiên, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ băn khoăn về công tác chấm thi sắp tới của thành phố sẽ phải tổ chức ở 1 điểm với khoảng 600 người làm công tác chấm thi. Việc này phạm vào quy chế tập trung đông người nên cần xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết từ Ban chỉ đạo.

Cũng liên quan đến điểm thi dự phòng, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Quan điểm của Bộ GD-ĐT là thành lập các điểm thi dự phòng, vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn điểm thi dự phòng sắp xếp thí sinh như nào, việc đưa bài thi về điểm thi dự phòng cụ thể ra sao? Cùng với đó, nếu thực hiện giãn cách ra nhiều phòng thi thì việc in sao đề thi sẽ thực hiện như thế nào để đảm bảo tính bảo mật?

Chia sẻ với băn khoăn của địa phương, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết khi xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT đã lường trước việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên giao kỳ thi cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi, không cử cán bộ trường đại học tham gia coi thi, chấm thi mà chỉ có mặt trong các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị ban chỉ đạo thi của các địa phương tăng cường các biện pháp phòng dịch khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, phải xây dựng phương án chia nhóm để tổ chức thi.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương nếu cần thiết phải điều chỉnh phương án bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi, không để những người thuộc diện F0, F1, F2 tham gia các khâu của kỳ thi. Những cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại các phòng thi dành riêng cho thí sinh diện F1, F2 phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Các địa phương phải có phương án dự phòng về điểm thi, phòng thi, nhân lực ở tất cả các khâu của kỳ thi khi cần thiết, phương án đảm bảo an toàn, phòng dịch khi đưa đón thí sinh F1, F2.

Các địa phương tuân thủ các biện pháp đã áp dụng như phun thuốc khử khuẩn, đeo khẩu trang, bố trí nước rửa tay, đo thân nhiệt cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi trong khu vực in sao đề thi, khu vực làm phách, chấm thi và tại các điểm thi.

Khải Minh