Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Dám nghĩ, dám làm, giải ngân đầu tư công sẽ khác

- Thứ Tư, 23/10/2019, 08:22 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, các ĐBQH quan tâm đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, cho rằng phải quan tâm thúc đẩy thực hiện trong các tháng cuối năm 2019 và năm 2020.

ĐBQH Nguyễn Đức Hải (Quảng Nam): Chi ngân sách nhà nước vừa thừa, vừa thiếu

Về thu ngân sách nhà nước, thu từ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa đạt như mong muốn, trong khi đây là khoản thu chủ lực. Dự báo, bối cảnh nền kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đang giảm, với nền kinh tế mở của nước ta, doanh nghiệp sẽ chịu tác động không nhỏ từ đầu ra đến đầu vào; đó là tỷ giá, giá nguyên liệu và cạnh tranh thương mại… Vì vậy, năm 2020, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp có nguồn thu, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo. Ngoài những tập đoàn lớn, cần chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển thị trường nội địa.


Về các khoản chi, chúng ta đang ở trong tình trạng vừa thừa tiền, vừa thiếu tiền. Như Báo cáo của Chính phủ, chúng ta đang thừa kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, tức là nếu phân bổ vốn, chúng ta vẫn thiếu 115.000 tỷ đồng; nhưng qua phân tích của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho thấy, nếu chúng ta không đẩy nhanh tốc độ giải ngân, không cải tiến việc giải ngân đầu vốn xây dựng cơ bản, chúng ta chưa chắc đã đạt kế hoạch giải ngân vốn 2 triệu tỷ đồng. Bởi vì, vốn vẫn kẹt ở dự án lớn, ở ODA và trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, giải ngân là một trong nhiệm vụ phải được quan tâm thúc đẩy trong năm 2019 và năm 2020.

Nên nhớ, xét về mặt pháp luật, dù Luật Đầu tư công mới ra đời 3 năm, nhưng vừa qua QH đã sửa để tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong thủ tục đầu tư, lập dự án, phân cấp mạnh hơn, cần triệt để áp dụng Luật Đầu tư trong năm 2020 để đẩy nhanh tốc độ giải ngân; đặc biệt là vốn cho các công trình trọng điểm. Nếu cần có thể điều chuyển, trong trường hợp vốn bố trí vốn mà lượng thấy dự án không sử dụng hết thì cần báo cáo để phân bổ cho nơi cấp thiết cấp bách hơn; nếu cần thiết, vẫn có thể điều chỉnh vốn trở lại cho dự án đó.

Đối với chi thường xuyên, dù đã giảm, nhưng năm 2020 lại có yếu tố tăng lương. Vì vậy, tăng lương cần đi đôi với giảm biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước, các cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng ban hành chính sách mà không cân đối nguồn lực hoặc giải phóng nguồn lực chậm, điển hình là qua thảo luận về Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 các ĐBQH đều băn khoăn về yếu tố cân đối nguồn lực, xử lý nguồn lực, việc đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các địa phương ra sao hay lại trở thành chương trình đầu tư theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, từ trên xuống, rất tản mạn và không tập trung. Ở đây trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương phải đặt lên hàng đầu, tỷ lệ giảm nghèo được bao nhiêu, mục tiêu cụ thể thế nào, để từ đó trở thành nhiệm vụ của tất cả các tỉnh có đồng bào dân tộc, xác định trách nhiệm của cả nước đối với vấn đề này, cân đối nguồn lực vững chắc hơn. Tôi rất tâm đắc với ý kiến phải chuyển từ cơ chế hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sang cơ chế đầu tư, coi đây là đầu tư phát triển mang tính chất bền vững, thay vì hỗ trợ, trợ cấp.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Khu vực nhà nước có dám đổi mới, vượt rào?

Trong năm 2019, giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm tiến độ, dù là nguồn vốn quan trọng, thậm chí là yếu tố cốt lõi để phát triển hạ tầng nước ta. Nhưng rất may thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân lớn nên tổng mức đầu tư toàn xã hội ở mức cao. Không có đầu tư tư nhân sẽ khó đạt được kết quả như thời gian qua. Song, nếu vốn đầu tư của Nhà nước không giữ vai trò cốt lõi, sẽ khó có sự phát triển bền vững trong dài hạn. Đây là một thách thức của chúng ta.

Vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao ở khu vực công giải ngân đầu tư chậm, thậm chí tiến độ giải ngân ngày càng thấp, trong khi ở khu vực tư nhân lại thực hiện nhanh? Các công trình được đưa vào sử dụng thời gian qua hầu hết đều do khu vực tư nhân đầu tư, rất ít công trình đầu tư công. Từ đây có thể thấy, quá trình cải cách cơ chế đã bắt đầu có tác dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin cho khu vực tư nhân. Nhưng quá trình này chưa thực sự mở ra cơ chế để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, đang còn một số nút thắt, đặc biệt là ở khu vực công.

Giải ngân đầu tư công thời gian qua không phải không có vướng mắc về cơ chế, chính sách. Nhưng nếu các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, sẽ khác; nếu cứ căn ke vào quy định pháp luật thì còn giải ngân đầu tư chậm. Do vậy, khi xác định mô hình tăng trưởng thời gian tới dựa vào đổi mới, sáng tạo thì khu vực nhà nước cũng cần dám đổi mới, dám “vượt rào”. Nếu đổi mới, sáng tạo vượt qua quy chuẩn, quy định, quy trình nhưng mang lại hiệu quả cao thì phải được ghi nhận. Nếu cứ phán xét vi phạm quy định, quy trình hiện có và bị xử lý thì sẽ không ai dám làm. Đã đến lúc phải đánh giá về đầu tư theo hiệu quả đạt được, không nên chỉ dựa vào việc tuân thủ đúng các quy định, có như vậy mới tháo gỡ những vấn đề cho phát triển.

ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang): Cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành

Trong số các giải pháp, nhiệm vụ được Chính phủ đề ra cho năm 2020 có 2 nhóm giải pháp mới tôi đánh giá cao. Cụ thể, Chính phủ xác định đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông; tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan của Đảng, QH, Chính phủ, MTTQ Việt Nam và tổ chức, đoàn thể các cấp.

Tôi đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo phát triển liên kết vùng, sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo, phát triển du lịch… Tuy nhiên, để thực hiện tốt những vấn đề này rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đặc biệt về vốn đầu tư, liên kết giao thông, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm…

Chính phủ cũng cần làm rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương mà thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật, trong đó có nhiều vụ việc khiến cử tri bức xúc về tham nhũng, đất đai, môi trường… Đơn cử như trường hợp của Công ty địa ốc Alibaba, tại sao công ty này quảng cáo rầm rộ, đưa các dự án ma, tự quy hoạch đất mà không có giấy phép xây dựng, thậm chí làm luôn cả đường đi, phân lô bán nền… mà nhiều địa phương không biết? Ở Đồng Nai, công ty này có tới 26 - 27 dự án ma, lừa đảo bao nhiêu người dân. Vai trò chính quyền ở đâu? Tại sao chúng ta không phát hiện và ngăn chặn sớm? Chính phủ nên có chỉ đạo và xử lý nghiêm trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra sự việc như vậy.

T. Chi - H. Ngọc - P. Thủy ghi; Ảnh: Q. Khánh