Góc nhìn

Dân nghèo và tượng đài tiền tỷ

- Thứ Ba, 12/05/2020, 06:44 - Chia sẻ
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản bác đề xuất xây dựng tượng đài Bà Triệu của UBND huyện Yên Định tại khu công viên Quảng trường trung tâm của huyện này với kinh phí 20 tỷ đồng. Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được sự đồng tình của dư luận bởi khi cuộc sống của người dân địa phương còn nghèo thì việc xây dựng tượng đài hàng chục tỷ đồng là điều khó có thể chấp nhận.

Trước đó, UBND huyện Yên Định có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin chủ trương về việc xây dựng tượng đài Bà Triệu trên địa bàn huyện, với tổng mức xây dựng  là 20 tỷ đồng từ ngân sách huyện và các khoản huy động hợp pháp khác.

Xây dựng tượng đài Bà Triệu trên quê hương bà thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Điều này là rất đáng trân trọng. Việc xây dựng tượng đài sẽ không có gì đáng nói nếu như kinh tế của địa phương phát triển. Nhưng số tiền 20 tỷ đồng với một huyện còn nhiều khó khăn thì điều đó lại trở nên không cần thiết. Đặc biệt, với huyện Yên Định - địa phương đang bị lùm xùm bởi trong giai đoạn 2013 - 2015 huyện này vẫn còn khoản nợ lên đến 52 tỷ đồng chi vào việc tiếp khách, ăn uống, sửa xe… mà chưa được giải quyết dứt điểm. Khi cuộc sống của người dân còn khó khăn, thì việc đề xuất xây dựng tượng đài lên tới hàng chục tỷ đồng cho thấy, người tham mưu đề xuất ý tưởng này chưa thực sự hiểu hết điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương. Do đó, việc Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bác đề xuất này là kịp thời và cần thiết.

Câu chuyện lạm dụng xây dựng tượng đài đã trở thành vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua. Điều đáng nói, việc xây dựng tượng đài, quảng trường lại diễn ra ở cả những địa phương còn nghèo mà ngân sách còn phụ thuộc vào trung ương, thậm chí còn đang hưởng chính sách 30a của Chính phủ. Tượng đài chiến thắng Khâm Đức có dự toán hơn 14 tỷ đồng, đang được huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đầu tư xây dựng cũng là một ví dụ. Bởi lẽ, Phước Sơn là huyện nghèo nằm trong nhóm 1 (gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh) đang hưởng chính sách 30a của Chính phủ. Nhưng huyện này đã đầu tư xây dựng tượng đài hoành tráng, khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Dù rằng, việc đầu tư xây dựng tượng đài từ nguồn ngân sách tiết kiệm của huyện chứ không lấy từ nguồn ngân sách hỗ trợ 30a của Chính phủ nhưng vẫn thấy dường như đang có sự lãng phí lớn trong sử dụng nguồn ngân sách ở địa phương.

Xây dựng tượng đài đã và đang “nở rộ” trên nhiều địa phương thời gian qua. Điều đáng nói là càng ngày càng có xu hướng hoành tráng, địa phương này xây được, địa phương kia cũng đề xuất xây cho “bằng chị, bằng em”. Việc xây dựng tượng đài cũng có biểu hiện biến tướng trở thành dự án quy hoạch kiến trúc ăn theo với số tiền đầu tư ngày càng lớn.

Không phải đến thời điểm này, tượng đài tiền tỷ mới được nhắc đến. Ngay từ nhiệm kỳ trước, Quốc hội Khóa XIII, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam cũng từng đề cập đến trình trạng lãng phí khi xây dựng tượng đài. Ông Lê Nam cho rằng, nhiều địa phương xây tượng đài, quảng trường hoành tráng, lãng phí trong khi còn nhiều người nghèo, thiếu tiền làm nhà cho các gia đình chính sách. Chính phủ cần báo cáo với Quốc hội và sớm chấn chỉnh tình trạng này, nhất là trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Bác Hồ.

Tiếc rằng, từ đó đến nay, trong báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm của Chính phủ gửi đến Quốc hội vẫn chưa đề cập cụ thể đến nội dung này!

Thiết nghĩ, việc xây dựng tượng đài cần được cấp quản lý xem xét kỹ lưỡng cả về kinh phí và yếu tố văn hóa. Khi dân còn nghèo thì xây tượng đài liệu có nên không. Dù rằng kinh phí để xây dựng là do huy động hay tiền xã hội hóa hợp pháp thì cũng không được chi tiêu vô tội vạ, thích làm gì thì làm. Vì suy cho cùng, tiền đó cũng là tiền đóng góp của dân. Người dân muốn rằng, sự đóng góp của mình không trở nên lãng phí và chi tiêu không đúng lúc, đúng chỗ...

Hà An