Xem - nghe- đọc

Đắng - Ngọt và Văn chương

- Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:33 - Chia sẻ
Giữa hai tận độ cảm giác “đắng” và “ngọt”, đau khổ và hạnh phúc, Nguyễn Thị Lê Na nhận ra đàn bà là cả một phổ rất rộng của những đan xen, chuyển hóa, đồng thuận, đối kháng, trong nhiều trường hợp “là thế này” cùng lúc “là thế kia”, rất khó đoán định...

"Đắng ngọt đàn bà” là tập sách gồm 11 truyện ngắn của tác giả Nguyễn Thị Lê Na và cũng là tên truyện hay nhất trong tập. “Đắng ngọt đàn bà”, nội cái tên ấy thôi, có lẽ đã đủ nói lên nhiều điều.

"Đắng” và “Ngọt” là những tận độ cảm giác mà người ta có thể và phải tự mình nếm trải, để rồi từ đó xác lập cho riêng mình ý niệm về đau khổ và hạnh phúc trong cuộc làm người trên cõi thế. Không phải cuộc làm người chung chung, mà là cuộc làm đàn bà, tức là làm người nữ đã đi qua những ma chiết trong quan hệ với đàn ông để trở thành người tình, người vợ, người mẹ. So sánh một cách hơi khập khiễng: Nếu nữ nhà văn Svetlana Alecxievich đã từ khung khổ của chiến tranh để nói rằng: “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, thì Nguyễn Thị Lê Na cũng đã từ khung khổ của đời thường (phi chiến tranh) để nói rằng: “Đời thường không có một khuôn mặt phụ nữ”. “Không có một”, bởi đơn giản là có nhiều. Và quả thực, trong tập truyện “Đắng ngọt đàn bà”, từ cái khung khổ đời thường được đặc trưng bằng đời sống gia đình đủ kiểu loại, Nguyễn Thị Lê Na đã kiến tạo nhiều cảnh huống đàn bà với bao phong nhiêu sắc thái: Yêu thương, dâng hiến, bẽ bàng, tủi hổ, thù hận, buông bỏ, tha thứ, hy sinh... Nghĩa là, ở giữa hai tận độ cảm giác “Đắng” và “Ngọt”, đau khổ và hạnh phúc, Nguyễn Thị Lê Na nhận ra đàn bà là cả một phổ rất rộng của những đan xen, chuyển hóa, đồng thuận, đối kháng, trong nhiều trường hợp “là thế này” cùng lúc “là thế kia”, rất khó đoán định. Chính điều đó, với nhà văn, là cái làm nên nhân vị đàn bà, và làm thành văn chương.

Hãy bắt đầu ngay từ truyện “Đắng ngọt đàn bà”. Một loạt sự kiện mang tính chất của những motif điển hình trong các mối quan hệ đời sống gia đình đã xuất hiện ở đây và làm thành cốt truyện. Một: Sự gặp lại của người vợ với người yêu một thời. Hai: Người chồng bị phát hiện là kẻ ngoại tình dù anh ta luôn đóng rất đạt vai một người chồng mẫu mực. Ba: Người vợ bị phản bội và người tình trẻ của chồng đối mặt nhau. Bốn: Tờ đơn ly hôn được người vợ quyết định viết ra để khép lại một cuộc hôn nhân vốn có vẻ bình yên. Nếu toàn bộ câu chuyện chỉ là như vậy, thì không có gì đáng nói, vì nó bình thường ở mức tầm thường. Nhưng may mắn, tác giả là người đã luôn biết cách tạo nên sự bất thường từ những cái bình thường nhất. Cuộc “tình cũ gặp lại” đang ở khúc dạo đầu mặn nồng và hành vi phản bội sắp thực sự xảy ra, thì chỉ một câu “Cho anh nhé” của người tình thuở xưa thôi, đã khiến người vợ lập tức… mất nhiệt: “Vy giật thót mình. Anh vừa nói gì? Giấc mộng chốn địa đàng chợt tan biến. Có thứ gì đó như một dòng nước lạnh buốt chảy dọc sống lưng, len lỏi trong từng tế bào. Cơ hồ có một câu hỏi về một điều hệ trọng thoảng qua trong đầu Vy. Sững lại. Mọi cử chỉ vuốt ve cho cuộc ân ái chững lại ngoài ý muốn của Vy” (tr11). Thoát khỏi cám dỗ của một mối quan hệ ngoài hôn nhân đầy mật ngọt ký ức, người vợ lại phát hiện rằng chồng mình đã ngoại tình bấy lâu nay, và chị buộc phải gặp mặt tình trẻ của chồng để tìm ra một phương cách giải quyết. Là người từng nhường tình yêu đầu đời cho một phụ nữ “yếu thế” hơn, khi người ấy quỳ xuống chân chị van xin, nhưng giờ đây, trước một phụ nữ khác, trẻ đẹp hơn mình, lại đang công khai đe dọa sự tồn tại ổn định và hạnh phúc của gia đình mình, chị để cho lịch sử lặp lại bằng cách đảo ngược niềm kiêu hãnh trong quá khứ: “Vy sụp mình dưới chân Thúy, nói trong nước mắt: Chị cần anh ấy, hai con chị đang tuổi ăn học cần anh ấy, ngôi nhà nhỏ bé của chị cần anh ấy làm trụ cột. Chị năn nỉ em! Chị van xin em! Hãy buông tha anh ấy…” (tr19). Còn về chồng, chị nghĩ: “Cho dù Văn đã làm những điều trái chướng đi nữa thì Vy cũng cố giữ cho bằng được gia đình của mình. Vy sẽ tha thứ, sẽ cho anh cơ hội” (tr20). Mọi việc ngỡ thế là xong. Nhưng sau cuộc gặp, về nhà, khi người chồng “cúi đầu phủ phục dưới chân Vy, môi chạm vào mu bàn chân cô, xin tha tội, xin được làm lại từ đầu” (tr20), thì mọi chuẩn bị về tâm lý cho sự gìn giữ và tha thứ nơi người vợ bỗng nhiên bay biến mất, sạch sẽ, như sau một cái rùng mình giải cảm: “Kiêu hãnh từng bước, cô đến bên bàn viết, bình tĩnh ngồi xuống lấy khăn lau khô nước mắt. Đoạn, Vy khẽ lôi từ hộc bàn ra tờ giấy trắng. Không chút lưỡng lự, cô dứt khoát đặt bút, viết đơn ly hôn” (tr21).

Tôi dừng lại lâu ở truyện ngắn này, bởi lẽ, nó chứa đựng những “từ khóa” để đọc các truyện ngắn khác của tác giả. Ở đây có những mẫu số chung. Người đàn bà của Lê Na là người đàn bà của đời sống gia đình, người đàn bà chỉ thuộc về “diễn ngôn đời sống gia đình” thôi, không giao cắt với những “diễn ngôn” khác, như chiến tranh, lịch sử, quốc gia, dân tộc, giai cấp, ý thức hệ... "Diễn ngôn về giới”, hay sự đấu tranh cho quyền của người nữ - chủ nghĩa nữ quyền, có thể nói vậy - nếu có ở người đàn bà của Lê Na, có lẽ cũng chỉ đóng khung ở khát vọng làm sao để người đàn bà được là người đàn bà của gia đình, một cách hoàn toàn và trọn vẹn nhất. Nghĩa là, người đàn bà ấy lấy gia đình làm mục đích sống của mình, lấy sự tòng thuộc vào chồng/người đàn ông, “giới thứ nhất”, làm đắng hay ngọt của đời mình. Có nghĩ như vậy, ta mới hiểu những nếm trải sóng ngầm dữ dội của Vy trong truyện “Đắng ngọt đàn bà”, hay của nhân vật được gọi là Chị trong truyện “Cơn bão”, khi những người đàn bà ấy đứng trên lằn ranh giữa một bên là khát khao nhục cảm đầy đam mê của tình yêu ngoài hôn nhân, một bên là ý thức về bổn phận làm vợ, làm người bảo toàn sự tồn tại và trật tự của thực thể gia đình mà họ đã dày công gầy dựng. Nhưng mặt khác, có như vậy, ta cũng mới hiểu được phần nào “phép biện chứng tâm hồn” của người đàn bà, khi những người đàn bà ấy rốt cuộc lại chủ động viết đơn ly hôn, tự tay khai tử cái đời sống gia đình mà họ hằng bảo vệ. Bởi họ bị người đàn ông của mình nghi ngờ, phản bội. Bởi lẽ sự hy sinh của họ không được trả giá một cách ngang bằng, bằng chính tư cách trượng phu của người chồng.

Sự tự ý thức về giới và ưu trội giới của người đàn bà trong truyện ngắn Nguyễn Thị Lê Na, trên một phương diện nào đó, là nương theo và diễn dịch từ quan điểm của người đàn ông. Tuổi trẻ và sắc đẹp, ấy là hai phẩm tính mà người đàn bà của Nguyễn Thị Lê Na luôn nhấn mạnh bằng nhiều cách. Trong truyện “Đắng ngọt đàn bà”, khi đối mặt với người tình của chồng, người vợ nhận thấy rất rõ sự “trên cơ” của cô ta: Đó là “trên cơ” về tuổi trẻ và sắc đẹp. Nó khiến chị nhớ rằng mình cũng đã từng có lúc sở hữu những phẩm tính ấy, những phẩm tính làm thành sự kiêu hãnh và cao thượng rất đỗi đàn bà của chị, trước một đàn bà khác, “yếu thế” hơn. Còn trong truyện “Tiếng sáo người hát rong”, qua cái nhìn khách quan của Mai, một phụ nữ có tấm lòng vô cùng nhân hậu nhưng không có gì đáng kể về ngoại hình, thì tuổi trẻ và sắc đẹp của người đàn bà lại mang ý nghĩa kép: Là phẩm tính ưu trội đấy, nhưng nếu đặt không đúng chỗ, nó sẽ chỉ là món đồ chơi phục vụ cho nhu cầu ngắn hạn của những gã đàn ông tham lam. Câu kể của một nhân vật đàn bà trong truyện đủ nói lên ý này: “Chẳng có ai là vợ ông chủ đâu chị ơi, kể cả bà đứng tuổi có đăng ký kết hôn ở quê. Chỉ nhan sắc là vợ ông thôi. Nên giờ, em mới là vợ ông ấy. Còn cô Ánh Tuyết đã được sang tên cho một đại gia U70, họ dắt nhau vào Nam rồi” (tr48). Vì thế, xét đến cùng, vượt lên trên tuổi trẻ và sắc đẹp, cái làm nên sự ưu trội giới của người đàn bà trong truyện ngắn Nguyễn Thị Lê Na vẫn là những phẩm tính tinh thần thuộc về một cái khung hết sức “cổ điển”, vững chắc: Sự nhân hậu, lòng bao dung, đức hy sinh, tính nhẫn nại... Nhân vật chị Mai trong truyện “Tiếng sáo người hát rong”, hay nhân vật chị Sinh trong truyện “Sinh” chính là những ví dụ nổi bật.

Như đã nói ở trên, người đàn bà trong truyện ngắn Nguyễn Thị Lê Na là người nữ đã đi qua những ma chiết trong quan hệ với đàn ông để trở thành người tình, người vợ, người mẹ. Diễn đạt cách khác, người đàn ông là “đối tác” cần có để làm bật lên những phẩm tính nữ và những số phận đàn bà của họ. Trong tập truyện này, không thiếu những nhân vật đàn ông tầm thường, ích kỷ, vụ lợi, háo sắc, háo danh, sẵn sàng phản bội hoặc bán đứng người đàn bà hết lòng với họ - nhất là ở truyện “Trong khoang tàu chật”, một truyện ngắn được dồn nén chặt, chi tiết sắc gọn, thể hiện một nhãn quan quan sát đời sống rất tinh quái. Nhưng không phải là không có những nhân vật đàn ông độ lượng, ân cần, biết sống có tình có nghĩa, có chiều sâu nội tâm với người đàn bà của mình. Như nhân vật Vũ trong truyện “Nước mắt đàn ông”, Hồ Thoong trong truyện “Vùng rừng sáng”, hay Hồ Ruôn trong truyện “Mùa cà phê hoa trắng”. Ít nhất thì đó là những ví dụ cho thấy thế giới đàn bà trong truyện ngắn Nguyễn Thị Lê Na không/chưa phải là một thế giới thiên lệch: Người đàn bà ở đây không chỉ cho đi, mà còn được nhận về, không ít, như chiếc xương sườn được nhận sinh sức từ tạo vật đầu tiên của Thượng đế.

Nếu chỉ căn cứ vào tập truyện ngắn “Đắng ngọt đàn bà” này, khó có thể nói rằng Nguyễn Thị Lê Na là một cây bút văn xuôi nữ nổi bật trong thế hệ của mình. Truyện ngắn của chị không đậm tính chất văn hóa vùng miền và quyết liệt với những vấn đề giới/xã hội như truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Tống Ngọc Hân, không có cái trong veo bảng lảng mơ hồ như truyện ngắn của Chu Thùy Anh, không có cái giằng xé vằng vật khốc liệt với những số phận đàn bà mang màu dã sử như truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa, không có cái lạnh và nhức buốt một vi khí hậu đô thị như truyện của Nguyễn Khắc Ngân Vi… Nhưng bù lại, truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na, qua sự thể hiện những số phận cuộc đời đàn bà, lại có một điều đáng nói: Sự mặn mòi. Mặn mòi của đời sống nội tâm được khảo sát tinh tế, kỹ lưỡng. Mặn mòi như một trung hòa giữa những tận độ cảm giác đắng và ngọt. Mặn mòi như một dư vị văn chương ở vùng biển quê hương Quảng Bình của Nguyễn Thị Lê Na, một vùng biển được xem là có độ mặn nước biển cao nhất Việt Nam…

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam