Đáng đồng tiền bát gạo

- Thứ Hai, 29/06/2020, 05:03 - Chia sẻ
Vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản là dấu ấn nổi bật của mùa vải thiều năm nay. Đây cũng là thành quả sau 5 năm đàm phán với Nhật Bản.

Có thời điểm, tưởng chừng như việc xuất khẩu quả vải tươi không thể thực hiện trong năm nay bởi ảnh hưởng của Covid-19. Nhưng sau nhiều nỗ lực đàm phán và trao đổi giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản, ngày 20.6, những lô vải thiều đầu tiên đã sang Nhật Bản thành công theo đường máy bay.

Cùng với việc nỗ lực để nâng cao chất lượng nông sản, việc chủ động trong phối hợp với các đối tác xuất khẩu cũng là điều rất đáng ghi nhận. Để quả vải tươi vào được thị trường Nhật Bản, các lô hàng phải được chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản giám sát trực tiếp. Khi đạt yêu cầu, chuyên gia Nhật Bản ký chứng thư xác nhận lô hàng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ động xin ý kiến của Chính phủ tạo điều kiện để chuyên gia Nhật Bản có thể sang giám sát chất lượng vải trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại quốc gia này.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, để mời được chuyên gia Nhật Bản, phía Việt Nam phải chịu toàn bộ chi phí quá trình đi lại, ăn ở, làm việc của chuyên gia theo quy định của Nhật Bản. Cụ thể, chuyên gia Nhật Bản sẽ có 42 ngày ở Việt Nam bao gồm 14 ngày cách ly phòng dịch Covid-19 và 28 ngày giám sát xuất khẩu vải thiều. Dự toán kinh phí ban đầu khoảng 500 triệu đồng nhưng thực tế sẽ còn phát sinh do phải thuyết phục chuyên gia làm thêm giờ rất nhiều để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu (2.300 yên/giờ làm thêm).

Thực tế, số tiền 500 triệu đồng để mời được chuyên gia Nhật Bản sang không phải là nhỏ và quá trình cũng không phải dễ dàng bởi diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nhưng cũng đáng “đồng tiền bát gạo” khi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xuất khẩu là lâu dài và để tránh tối đa việc đứt gãy chuỗi kinh doanh sản xuất luôn là mục tiêu tối quan trọng đối với Việt Nam ta, đặc biệt là ở thời điểm này.

Có thể thấy, rõ ràng giá trị của trái vải thiều Việt Nam đang được nâng lên, được định vị lại ở một tầm cao mới khi chính thức có mặt tại các thị trường khó tính như Nhật Bản. Nếu tại thị trường Việt Nam, quả vải bán với giá chưa đến 50.000 đồng/kg thì khi vào Nhật Bản giá lên tới 530.000 - 550.000 đồng/kg tại các siêu thị. Điều đáng ghi nhận là chất lượng vải thiều Việt được đánh giá cao, thơm và ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay là một tín hiệu rất đáng lạc quan trong bối cảnh xuất khẩu nông sản của nước ta gặp nhiều khó khăn do Covid-19.

Nhật Bản được xem là thị trường khó tính với nhiều quy định khắt khe về chất lượng hàng nhập khẩu nói chung, hàng nông sản nói riêng, đặc biệt là trái cây tươi. Để trái cây có thể tiếp cận được sâu rộng và đa dạng các thị trường, không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành nông nghiệp thời gian qua. Cụ thể là Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong thời điểm các nước vẫn còn dịch bệnh, song ngành nông nghiệp đã có những phương án chủ động tích cực, tháo gỡ khó khăn, biến nguy thành cơ nhằm phát triển kinh tế, đưa mục tiêu xuất khẩu đi đúng lộ trình, thực hiện “thắng lợi kép” như mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ở trong nước, Cục Bảo vệ thực vật đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh, thành phố để tổ chức sản xuất, bảo đảm tạo ra và cung ứng cho nhu cầu xuất khẩu những nông sản tốt nhất, có khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các quốc gia tiên tiến. Bởi để xây dựng được vùng nguyên liệu vải thiều phục vụ xuất khẩu Nhật Bản, ngành chức năng, địa phương và người nông dân phải trải qua nhiều cuộc thí nghiệm và sát hạch minh bạch và gắt gao. Điều này cho thấy, để một nông sản Việt hiện diện tại một thị trường khó tính là không hề dễ dàng, song nếu biết đầu tư, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, thì nông sản Việt có thể xuất khẩu với số lượng lớn và giá trị cao.

Duy Anh