Chính sách và cuộc sống

Đằng sau sự cố nước nhiễm dầu

- Thứ Năm, 17/10/2019, 08:17 - Chia sẻ
Bất chấp Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (VIWASUPCO) tuyên bố “không bưng bít thông tin” về việc nguồn nước bị nhiễm dầu và nói lời xin lỗi thì ứng phó của VIWASUPCO trước sự cố này vẫn là không thể chấp nhận được.

Đáng lẽ khi phát hiện vết dầu loang ở nước nguồn vào ngày 9.10, Công ty nước sạch sông Đà phải thông báo tình hình với khách hàng, người dân và tạm dừng vận hành nhà máy để xử lý triệt để rồi mới cấp nước trở lại. Minh bạch và trách nhiệm được như vậy thì người dân dẫu phải chịu cảnh mất nước vài ngày chắc cũng sẵn lòng. Đằng này, Công ty âm thầm xử lý một cách thủ công - thuê người dân vớt váng dầu thay vì thuê các đơn vị chuyên về ứng phó với sự cố môi trường; đồng thời tiếp tục vận hành nhà máy và cấp nước cho khách hàng bất chấp việc chưa có kết quả xét nghiệm của ngành y tế và cũng không có bất cứ động thái nào cảnh báo tới người dân. Nói Công ty nước sạch sông Đà đã hành xử kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” có lẽ không quá lời.

Khi người dân phản ánh nước có mùi vị lạ, VIWASUPCO cũng không một lời giải thích. Theo giãi bày của vị Tổng giám đốc, vì dư luận cho rằng nước có mùi lạ là trách nhiệm của VIWASUPCO, nếu công ty lên tiếng “sợ không khách quan” nên chờ kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành. Hóa ra cái nỗi sợ không khách quan của lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà còn lớn hơn nỗi sợ sức khỏe của hàng nghìn người dân Thủ đô có thể bị ảnh hưởng hay sao?

Chuyện chưa dừng ở đó! Sau khi kết quả xét nghiệm của ngành y tế Hà Nội xác định mùi lạ trong các mẫu nước của  VIWASUPCO liên quan đến chất styren  với hàm lượng cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với bình thường, UBND TP Hà Nội - một cách chậm trễ - đã khuyến cáo người dân không dùng nước này để ăn uống, bởi styren góp phần làm phát triển ung thư, giảm thị lực, thính giác và gây tổn thương hệ thần kinh. Tuy nhiên, trên trang web của mình, VIWASUPCO không cung cấp bất cứ thông tin chính thức nào về phạm vi cấp nước và các đơn vị phân phối của mình. Muốn biết, người dân chỉ còn cách tự “lần mò”.

Rồi đây VIWASUPCO và những kẻ đổ trộm dầu thải làm ảnh hưởng đến nguồn nước mặt sông Đà sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành xử của mình. Nhưng còn có một vấn đề lớn hơn, nghiêm trọng hơn bộc lộ sau sự cố này, đó là sự an toàn nguồn nước trên bình diện cả nước đang thực sự bị đe dọa. Trong khi công nghệ hiện nay ở các nhà máy nước vẫn chỉ lắng lọc thì trăm nguồn thải vẫn đổ hết ra sông và những kẻ hành xử thiếu ý thức, vô trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, như trường hợp đổ dầu thải làm ảnh hưởng đến nguồn nước mặt sông Đà, chắc chắn là không ít. Một số nhà khoa học cảnh báo rằng vấn đề tương lai sẽ là các hợp chất hữu cơ hòa tan khó phân hủy, cái mà keo tụ lắng lọc “bó tay”. Nếu vậy thì sức khỏe của người dân sẽ ra sao?

Tất nhiên, về nguyên tắc có thể dùng công nghệ xử lý mọi loại nước để sạch hoàn toàn, ví dụ điển hình là Singapore đã thu hồi toàn bộ nước thải để xử lý và dùng lại. Nhưng cũng tất nhiên là giá nước khi đó sẽ rất cao. Vì thế, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào thì bảo vệ nguồn nước là điều số một để bảo đảm chất lượng nước cấp. Trách nhiệm này đặt lên vai chính quyền địa phương, lên từng người dân và trên hết là các công ty cung cấp nước.

Hà Lan