Góc nhìn

Đành lỡ hẹn

- Thứ Bảy, 29/10/2016, 07:40 - Chia sẻ
Phút chót của phiên họp toàn thể của QH ngày 25.10, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã xin tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật về Hội để trình QH tại Kỳ họp sau vì còn nhiều ý kiến chưa có sự đồng thuận cao, còn tranh luận nên cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Vậy là, một lần nữa dự án Luật về Hội lại lỡ hẹn. Theo ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), trong lịch sử lập pháp Việt Nam, đây là đạo luật được “nâng lên, đặt xuống” nhiều nhất. 70 năm trước, quyền lập hội đã được đưa vào Hiến pháp và tiếp tục được khẳng định trong các bản hiến pháp sau. 60 năm trước, sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa quyền lập hội thành văn bản pháp luật. Đến năm 2006, lần đầu tiên dự thảo luật về vấn đề này được đưa ra QH và được “xếp lại”. Từ đó đến nay, qua hơn chục lần soạn thảo, dự thảo Luật đã được trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII và trình QH thông qua tại kỳ họp này. Đây là nỗ lực lớn trong việc hiện thực hóa quyền lập hội của công dân trong Hiến pháp. Nhưng với việc dự luật tiếp tục xin được rút cho thấy, việc luật hóa vấn đề này không đơn giản.

Phải khẳng định rằng đây là luật khó. Như tại phiên thảo luận tại hội trường vừa qua, có 49 ý kiến phát biểu về 32 trong tổng số 33 điều của dự án Luật, duy nhất chỉ có Điều 33 - điều luật thi hành là không có ý kiến của ĐBQH. Và cũng tại phiên thảo luận này, lần đầu tiên có đại biểu giơ biển đề nghị được tranh luận với quan điểm dự án luật còn rất nhiều vấn đề cần phải xem xét nhằm hướng tới xây dựng luật có chất lượng. Và rằng không thể thông qua đạo luật chưa đủ “độ chín”, chưa bảo đảm tính khoa học, tính khả thi.

Chuyện nhiều ĐBQH ca thán Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm cũng như toàn khóa của QH phải điều chỉnh quá nhiều đã được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Trong các tờ trình dự án luật, pháp lệnh đều có mục “Sự cần thiết…” phải ban hành, trong đó đưa ra rất nhiều lý lẽ, căn cứ; rằng bức thiết lắm rồi; rằng không thể trì hoãn được nữa… Sau đó, đề nghị, thậm chí tha thiết đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng, luật pháp lệnh. Nhưng đến khi đã được đưa vào rồi thì cũng lại đầy đủ lý lẽ để “xin” lùi thời hạn hoặc rút ra khỏi Chương trình. Khách quan, quả đúng là nhiều cơ quan chịu trách nhiệm hoặc được giao soạn thảo quá tải bởi khối lượng công việc lớn dẫn đến không chuẩn bị kịp hoặc đã có sự chuẩn bị nhưng chưa thực sự kỹ càng. Chủ quan, đôi khi là do cảm tính, muốn đưa vào bằng được, nhưng đến khi bắt tay thực hiện mới thấy vướng; Vướng cả khi trình thông qua. Khi đó tất nhiên giải pháp tốt nhất là xin rút…

Với dự án Luật về Hội, rõ ràng ở đây có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng quan trọng là sự cầu thị của cơ quan soạn thảo và trách nhiệm của ĐBQH. Như khẳng định của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, tinh thần là phải chuẩn bị một luật tốt về hội, bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền lập hội của công dân và yêu cầu quản lý nhà nước. Cho nên, dù rằng dự án Luật thêm một lần nữa lỡ hẹn thì cũng là sự cẩn trọng cần thiết.

Huyền Trang