Mô hình đào tạo nghề kép ở Cộng hòa Liên bang Đức

Đào tạo kép, lợi ích kép

- Chủ Nhật, 29/09/2019, 10:15 - Chia sẻ
Sự phát triển của mỗi quốc gia đều phụ thuộc rất nhiều vào phát triển nguồn nhân lực, do vậy, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức là một trong những quốc gia đã tạo được sự phát triển kinh tế - xã hội cao nhờ làm tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó hệ thống đào tạo nghề kép được coi là mô hình đào tạo đặc biệt hiệu quả.

Môi trường kép


Những con số ấn tượng

Sau khi học sinh tốt nghiệp từ hệ thống đào tạo nghề kép, tình hình việc làm của học sinh nói chung tốt, phần lớn học sinh xin được việc làm ngay. Theo báo cáo về hệ thống đào tạo kép của Bộ Giáo dục và Khoa học CHLB Đức, sau 6 tháng học sinh tốt nghiệp từ hệ thống đào tạo nghề kép, khoảng 60% học sinh nhận được việc làm với hợp đồng không hạn chế, có nghĩa là hợp đồng trong thời gian 3 - 4 năm, rồi sau đó ký tiếp hoặc hợp đồng vĩnh viễn nếu cả hai bên mong muốn, 10% thất nghiệp, 17% tham gia quân ngũ hoặc nhận hợp đồng ngắn hạn (từ 6 tuần cho đến 5 năm) và 13% tham gia đào tạo tiếp.
Trong số những học sinh có việc làm ngay, 78% học sinh được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo. Thông thường, các học sinh theo học các khóa đào tạo nghề trong các công ty lớn có cơ hội việc làm lớn hơn so với học sinh theo học các khóa đào tạo trong các công ty nhỏ. Theo số liệu thống kê, có khoảng 80% học sinh tốt nghiệp học nghề trong các công ty lớn được ở lại làm việc tại công ty đã đào tạo. Chỉ số này khiêm tốn hơn nhiều đối với đào tạo trong các công ty nhỏ, sử dụng chưa đến 1/2 số học sinh họ đã đào tạo. Song, nhờ chất lượng đào tạo của hệ thống đào tạo nghề kép, nên cơ hội việc làm của các học sinh tốt nghiệp không được công ty đào tạo thuê vẫn cao. Hơn nữa, thường xuyên diễn ra quá trình trao đổi giữa hãng tổ chức đào tạo và hãng không tổ chức đào tạo, nên việc điều chỉnh về các quyết định đào tạo và sử dụng được diễn ra theo điều kiện thị trường lao động.

Ở CHLB Đức, hệ thống đào tạo nghề kép là sự kết hợp giữa việc học trong một môi trường có sự gần gũi với thực tế sản xuất của công ty và một cơ sở có năng lực chuyên môn về sư phạm và nghiệp vụ dạy nghề của các trường nghề. Trong hệ thống đào tạo này, người học được đào tạo khoảng 70% thời gian tại nơi làm việc và 30% còn lại ở các trường nghề. Cụ thể, các công ty cung cấp kiến thức và kỹ năng thực tế, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng phù hợp với công nghệ sản xuất của công ty cho các học viên, còn nhà trường cung cấp khối kiến thức lý thuyết cơ bản. Do phát triển trên hai nền tảng kết hợp như vậy, nên hệ thống đào tạo nghề này còn gọi là hệ thống đào tạo “kép”.

Khi tốt nghiệp THCS ở CHLB Đức, người học có 3 lựa chọn để học cao hơn là học nghề kép, học nghề toàn thời gian tại các trường nghề hoặc học đại học. Như vậy, mô hình đào tạo kép chỉ là một trong 2 mô hình đào tạo nghề của CHLB Đức. Điều này cũng lý giải vì sao một trường nghề của Đức thường vừa có học sinh theo mô hình kép vừa có học sinh theo mô hình đào tạo toàn thời gian tại trường.

Bộ luật Đào tạo nghề năm 1969 áp dụng ở CHLB Đức được coi là nền tảng cơ bản của sự phát triển hệ thống đào tạo nghề kép. Bộ luật này đã đưa ra các điều lệ chi tiết và tích cực, nhấn mạnh trách nhiệm của xã hội đối với việc đào tạo nghề. Đồng thời bảo đảm cho các nhóm xã hội quan tâm đến đào tạo nghề, chủ yếu giới chủ sử dụng lao động và người lao động, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến hệ thống đào tạo nghề và khả năng tổ chức đào tạo trên toàn quốc. Ngoài ra, Bộ luật này còn là cơ sở pháp lý cho hệ thống đào tạo kép thành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng nghề chủ chốt ở CHLB Đức.

Theo số liệu năm 2018 của Viện Nghiên cứu đào tạo nghề liên bang (BIBB) thì khoảng 52% dân số ở độ tuổi 16 - 24 tham gia hệ thống đào tạo nghề kép. Mức phụ cấp đào tạo trung bình cho người học được người sử dụng lao động trả là 876 euro/tháng. Quy mô hệ thống đào tạo kép khoảng 1,32 triệu người/năm với độ tuổi trung bình của người tham gia học là 19,4 tuổi. Về cơ cấu người học, theo số liệu năm 2016, trong tổng số học viên mới tuyển (hay số hợp đồng mới được người sử dụng lao động ký với người học nghề kép) là 520.332 hợp đồng thì 58,5% trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, 27,2% trong lĩnh vực thủ công, còn lại là trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ công và nghề tự do.

Hiện có khoảng 20% các doanh nghiệp tham gia đào tạo kép. Trung bình 95% số người học tốt nghiệp có việc làm, trong đó khoảng 68% người học tiếp tục được công ty nhận đào tạo thuê tuyển ký hợp đồng lao động. Mức đầu tư trung bình cho một người học nghề kép là 18.000 euro/năm nhưng khoảng 2/3 tổng chi phí sẽ được bù đắp từ việc tham gia của người học trong quá trình sản xuất kinh doanh. Với quy mô và hiệu quả đào tạo của mô hình như vậy nên đào tạo kép được gọi là trụ cột của hệ thống đào tạo nghề ở CHLB Đức.

Các học sinh tham gia hệ thống này, được dậy các kỹ năng cơ bản cho ngành nghề đã chọn và sau đó được đào tạo chuyên sâu. Học sinh có thể theo học ngành của mình 3 ngày tại công ty, những ngày còn lại học tại trường nghề hoặc học sinh có thể sử dụng nhiều thời gian hơn tại công ty, và cũng có thể tham gia học ngoài giờ tại trường nghề. Hiện nay, trong chương trình học của hệ thống đào tạo nghề kép thì các môn chuyên ngành chiếm 60% và các môn phổ thông chiếm 40%.

Chi phí đào tạo thường do chính quyền bang trả cho phần học tại trường theo chương trình. Còn các công ty trả chi phí trực tiếp cho việc đào tạo thực hành tại công ty. Thông thường, các công ty chi trung bình 2 - 3% tổng quỹ tiền lương của họ cho đào tạo ban đầu.

Cơ chế quản lý kép

Tên mô hình đào tạo nghề kép còn gắn liền với cơ chế quản lý hệ thống đào tạo nghề ở Đức. Chẳng hạn, chính quyền bang chịu trách nhiệm quản lý trường nghề và Chính phủ Liên bang chịu trách nhiệm quản lý đào tạo nghề tại công ty. Việc dạy nghề tại công ty đều do các công ty trực tiếp tổ chức, song việc kiểm soát lại do công đoàn cùng với sự tham gia của các quan sát viên và hội đồng công nhân tại công ty thực hiện. Trên thực tế, công đoàn tham gia vào mọi công đoạn của hệ thống đào tạo kép trong công ty, từ quá trình lựa chọn học sinh cho đến duy trì một chương trình học hiện đại, kiểm soát chất lượng và bảo vệ công nhân khỏi nguy cơ như bị trả lương thấp hoặc không được đào tạo đầy đủ.

Hệ thống đào tạo nghề kép được điều chỉnh bởi nhu cầu cung cấp vị trí đào tạo của các công ty. Các công ty là người quyết định số lượng công nhân 26 được đào tạo và đào tạo theo chuyên ngành nào. Công ty được quyền tự do lựa chọn các ứng cử viên được tham gia đào tạo. Tuy nhiên, trong việc thực hiện những chức năng như vậy, công ty phải tuân thủ hàng loạt những quy chế do Chính phủ Liên bang đặt ra với sự tư vấn của các đoàn thể xã hội.

Có thể khẳng định, hệ thống đào tạo nghề kép là mô hình đào tạo chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống đào tạo ở CHLB Đức, được thế giới công nhận là mô hình đào tạo tiên tiến với mục đích chính là phát triển một lực lượng lao động chất lượng cao với quy mô ngày càng tăng.

Thanh Minh