Đào tạo nghề cần sát với nhu cầu thực tế của địa phương

- Thứ Ba, 14/07/2020, 14:17 - Chia sẻ
Đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND thành phố, do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố làm trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Mê Linh về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, giai đoạn từ năm 2016 đến nay.

Báo cáo với đoàn giám sát, đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, Mê Linh cơ bản vẫn là huyện thuần nông, phần lớn người dân trong độ tuổi lao động đang làm nông nghiệp. Trước khi thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo chưa cao nên việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với tạo việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu lao động; phát triển nguồn nhân lực nông thôn để phát triển kinh tế, trong đó người lao động nông thôn là người được hưởng chính sách của Đảng và nhà nước về tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế nâng cao mức sống gia đình và xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc

Từ năm 2016 đến nay, huyện Mê Linh đã thực hiện đào tạo nghề cho 4.370 lao động nông thôn theo Quyết định 1956 tại 127 lớp dạy nghề (trong đó, nghề phi nông nghiệp 29 lớp với 990 học viên; nghề nông nghiệp 98 lớp với 3.380 học viên). Học viên tham gia học nghề được hỗ trợ kinh phí học tập, được cấp phát tài liệu, học liệu đầy đủ, chương trình, tài liệu giảng dạy khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và nhu cầu của người lao động; cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ phục vụ cho việc dạy và học; đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo nghề nhiệt tình, tận tâm, tận tụy. Học viên thuộc đối tượng 1, đối tượng 2 (người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo) được hỗ trợ tiền ăn nên lao động nông thôn phấn khởi hơn khi vừa được học để trang bị kiến cơ bản để ứng dụng phát triển sản xuất vừa được hỗ trợ kinh phí học tập, không phải thực hiện đóng góp.

Lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề được cấp chứng chỉ, được giải quyết việc làm, được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao mức thu nhập. Sau đào tạo số học viên có việc làm và làm đúng nghề gồm: 3.081 học viên nghề nông nghiệp, đạt tỷ lệ 91% (chủ yếu là tự tạo việc làm); 845 học viên nghề phi nông nghiệp, đạt tỷ lệ 85%. 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Mê Linh kiến nghị một số nội dung: Đề nghị Thành phố tiếp tục tham mưu ban hành Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn mới mang tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển nông thôn mới hiện nay, góp phần trang bị kiến thức, mạnh dạn đầu tư tiếp cận với khoa học công nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, cần có sự định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng có đối ứng của Nhà nước để thúc đẩy các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cùng tham gia công tác đào tạo nghề.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá: Trong những năm qua, huyện Mê Linh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề được triển khai bằng nhiều hình thức; Công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn được UBND các xã, thị trấn thực hiện hàng năm.

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng việc đào tạo nghề theo nhu cầu người học trên địa bàn huyện hiệu quả chưa cao, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Công tác đào tạo nghề chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề. Một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài. 

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện Mê Linh tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề nhằm thay đổi nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm học nghề của người lao động. Rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, các tổ hợp tác xã trên địa bàn, từ đó, có biện pháp giúp người lao động giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; các tổ chức chính trị xã hội và người dân trong việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo việc tổ chức dạy và học đúng đối tượng, đủ thời gian theo chương trình đào tạo; đúng định mức, chế độ chi theo quy định. 

Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các Sở, ngành thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Huyện trong thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của Huyện trong quá trình thực hiện, đặc biệt các kiến nghị tại buổi làm việc này. Chủ động đề xuất tham mưu Thành phố các giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn.

PHI LONG