Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu

- Thứ Bảy, 30/04/2016, 08:14 - Chia sẻ
QH Khóa XIII đã sửa đổi, ban hành một số đạo luật quan trọng, trong đó có Luật Việc làm nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng là tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Việc ban hành Luật Việc làm còn góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động với mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cung đào tạo và cầu sử dụng lao động chưa thật sự ăn nhập. Nguyên nhân sâu xa do chúng ta còn duy trì cách đào tạo nghề theo kiểu truyền thống “có gì đào tạo đó”.

Có gì đào tạo đó…

 Đào tạo, bồi dưỡng một lao động có tay nghề không thể gấp gáp, đây là một quá trình dài với nhiều bước đi. Đầu tiên phải đổi mới hệ thống dạy nghề để người học có các kỹ năng, kiến thức cần thiết gắn với thị trường. Sau đó, người lao động phải được cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề liên tục trong quá trình lao động. Do vậy cần hướng tới việc phát triển kỹ năng nghề của người lao động tại doanh nghiệp. Quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các chính sách đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tự dạy nghề cho người lao động của mình, vì hơn ai hết, doanh nghiệp sẽ biết cần làm gì để tạo ra một người lao động có năng suất cao, mang lại lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi

Hiện nay, về cơ bản hệ thống chính sách, pháp luật chăm lo cho người lao động, đặc biệt là công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động đã được hoàn thiện theo tinh thần Hiến pháp 2013. Điển hình là các đạo luật như: Bộ luật Lao động; Luật Việc làm; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (2014); Luật An toàn, vệ sinh lao động (2015); và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của QH về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Có thể khẳng định, hệ thống chính sách, pháp luật chăm lo cho người lao động đều được triển khai dựa trên những quan điểm, định hướng, mục tiêu của Đảng về chính sách xã hội, an sinh xã hội và cụ thể hóa Hiến pháp. Đó là: Bảo đảm kết hợp đồng bộ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, từng bước thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong các chính sách được ban hành. Thiết lập khung pháp lý quy định về các tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động, xây dựng môi trường, điều kiện làm việc an toàn cho người lao động khu vực chính thức và từng bước mở rộng sang khu vực phi chính thức. Thiết kế hệ thống chính sách an sinh xã hội theo hướng đa dạng, toàn diện, chia sẻ trách nhiệm và nguồn lực giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư và giữa các thế hệ; hướng tới mục tiêu bền vững, công bằng, công khai, minh bạch; phù hợp với thu nhập của người dân, khả năng huy động, cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, Luật Việc làm quy định về các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và hình thành các chính sách thị trường lao động chủ động. Có thể kể đến như các chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động  khu vực nông thôn; chính sách việc làm công; chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, hỗ trợ lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; kỹ năng nghề; hoạt động dịch vụ việc làm. Và chính sách thị trường lao động bị động - chính sách bảo hiểm thất nghiệp.


Nguồn: milosa.gov.vn

Nguồn nhân lực phải đi đầu, đón trước

Tuy nhiên, có một vấn đề đã và đang đặt ra đối với chính sách, pháp luật cho người lao động, đó là đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm. Trong khi đó, việc làm cho người lao động là biện pháp trung tâm của mọi quốc gia, không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế mà còn giải quyết cả vấn đề xã hội. Có việc làm, tăng thu nhập sẽ giúp người dân có khả năng tự đáp ứng những nhu cầu chính đáng về vật chất, tinh thần, giúp người lao động tiếp cận được với cơ sở y tế, giáo dục với chất lượng tốt, nâng cao vị thế xã hội, hòa nhập với môi trường xung quanh.

Nhìn thẳng vào thực tế nước ta, vấn đề cung đào tạo và cầu sử dụng lao động chưa thật sự ăn nhập. Nguyên nhân sâu xa là do chưa đổi mới căn bản, mạnh mẽ công tác đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường mà vẫn theo truyền thống có gì đào tạo đó. Chúng ta đã tập trung nguồn lực cho đào tạo theo nhiều hình thức gồm dài hạn, ngắn hạn, chuyển giao công nghệ hướng dẫn “đầu bờ”, đặc biệt là Chương trình 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nhưng hiệu quả các chương trình này không cao do chạy theo phong trào, mang tính hình thức, đạt yêu cầu giải ngân hơn là thực sự gắn mục tiêu đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường.

Chúng ta cũng có chiến lược, quy hoạch, dự báo về phát triển nguồn nhân lực của quốc gia, của từng ngành, nghề, lĩnh vực và vùng kinh tế nhưng dường như việc hiện thực hóa các mục tiêu cũng chưa cao do công tác dự báo, quy hoạch trong kế hoạch, chiến lược chưa khả thi. Công tác tổ chức thực hiện yếu; chưa làm tốt công tác quy hoạch chất lượng đào tạo dĩ nhiên nguồn nhân lực chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Đáng ra, nguồn nhân lực phải đi đầu, đón trước, thì dường như chúng ta lại đặt ra quy mô phát triển cho kinh tế mà chưa đầu tư tương xứng cho chất lượng nguồn nhân lực - vậy làm sao có thể phát triển bền vững?

Đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp

Từ những lý lẽ trên, có thể thấy, cần tiếp tục quan tâm, chú trọng hơn đến đào tạo nghề cho người lao động như là một bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống nguồn nhân lực chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh thị trường lao động nước ta đang hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, trước mắt là tham gia cộng đồng các nước khu vực ASEAN và Hiệp định Đối tác  Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì cơ hội và áp lực cạnh tranh đặt ra đối với người lao động ngày càng lớn. Hội nhập mở ra nhiều cơ hội việc làm. Một lượng lớn lao động nông nghiệp, lao động nông thôn nhàn rỗi, thiếu việc làm sẽ tham gia hoạt động kinh tế trong các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cá thể, hộ gia đình... Ngược lại, cũng không ít trường hợp lao động không có tay nghề, tay nghề thấp sẽ bị đào thải do không đáp ứng được quy trình sản xuất hiện đại. Vì vậy, khi chính sách, pháp luật đào tạo nghề gắn với việc làm cho người lao động đã hoàn thiện, quan trọng và quyết định nằm ở khâu thực thi, triển khai ở các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện và điều chỉnh các văn bản dưới luật cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của thị trường lao động trong từng thời kỳ. Được vậy, tin rằng, trên nền tảng hệ thống cơ sở pháp lý khá đầy đủ về lao động - việc làm, người lao động nước ta sẽ hội nhập thành công ngay trên sân nhà. 

Bùi Sỹ Lợi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Hoàng Ngọc ghi