Chính sách và cuộc sống

Đầu tư “đủ tầm” cho giáo dục đại học

- Thứ Bảy, 16/11/2019, 07:44 - Chia sẻ
Năm 2019, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam có bước phát triển khá ấn tượng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia và đứng thứ 3 trong ASEAN. Tuy vậy, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, đóng góp chưa nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế đất nước vẫn đang nằm ở nấc thang thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong những năm tiếp theo, xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia cần được coi là giải pháp đột phá cho sự phát triển nền kinh tế - xã hội. Bởi vì đổi mới sáng tạo không chỉ tạo ra giá trị mới trong sản phẩm, dịch vụ, quy trình và mô hình kinh doanh, tạo ra thị trường mới và động lực phát triển mới cho nền kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa cũng như kiến tạo quá trình phát triển bền vững.

Để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự phát triển hiệu quả, chúng ta cần triển khai hàng loạt giải pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo chính sách đột phá, thí điểm cơ chế đầu tư mạo hiểm, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu mở, xử lý dữ liệu lớn... Đặc biệt, Chính phủ cần quan tâm đến giải pháp quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học và các viện nghiên cứu, chú trọng vai trò tương hỗ biện chứng giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Trường đại học không chỉ là nhà máy tạo ra công nghệ mới mà còn là nơi để đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ phát triển doanh nghiệp và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là một quá trình chủ yếu do sự phát triển của nền khoa học công nghệ với vai trò dẫn dắt của các trường đại học và viện nghiên cứu. Bài học điển hình cho sự thành công này là tại Bỉ, nơi các trường đại học đã trở thành hạt nhân thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trường Đại học KU Leuven - được xếp hạng đổi mới sáng tạo số một châu Âu, sở hữu hàng trăm sáng chế, tạo ra gần 150 doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhà trường trên nhiều lĩnh vực công nghệ. Mỗi năm, trường chuyển giao khoảng 2.000 hợp đồng và hình thành quanh trường một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tương tác liên tục và bền vững giữa nhà trường với thị trường và doanh nghiệp. Tương tự như vậy, tại Mỹ, 29/30 các thành phố công nghệ, thành phố thông minh hàng đầu được xây dựng xung quanh các trường đại học. Tại Hà Lan, nơi có nền nông nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới, trường Đại học Wageningen được xem là xương sống, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp và hình thành các khu đổi mới sáng tạo.

Ở Việt Nam hiện nay, đại đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chưa đủ năng lực, nguồn lực và nhân lực để phục vụ nghiên cứu các công nghệ nguồn, các bài toán lõi. Vì thế đổi mới sáng tạo rất cần sự trợ lực của các trường đại học hàng đầu, với các chính sách thiết thực gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các trường đại học. Theo đó, Chính phủ cần đầu tư phát triển các trường đại học đúng tầm, để nâng cao năng lực và tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia. 

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (TP Hà Nội)
PV ghi