Đầu tư phát triển văn hóa, thông tin đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và hội nhập

- Thứ Ba, 22/09/2020, 14:53 - Chia sẻ
Trong khuôn khổ giám sát về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và dự kiến công tác năm 2021; phân bổ, sử dụng, quản lý NSNN năm 2020 và dự toán NSNN năm 2021 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, ngày 22.9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với các bộ, đơn vị thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020, ngành VH, TT và DL bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, vì các hoạt động của ngành đều tập trung đông người, tuy nhiên, ngành cũng đã làm được các công việc liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thư viện...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Báo cáo tại buổi làm việc
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, năm 2020, ngành văn hóa, thể thao và du lịch chịu tác động nặng nề từ Covid-19

Về quản lý, sử dụng vốn NSNN, hệ thống chính sách của ngành đã từng bước hoàn thiện nhưng vẫn còn thiếu. Một số chế độ, chính sách đã bất cập nhưng chậm được sửa đổi (chế độ đãi ngộ với nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên...). Việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là ở các địa phương. Việc tổ chức thực hiện một số nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án được ban hành còn chậm do thiếu kinh phí; sự phối hợp của một số bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, hiệu quả.

Việc đầu tư từ NSNN chưa đáp ứng với yêu cầu nên một số mục tiêu phát triển của ngành chưa đạt. Việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa tại địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao có tiến bộ nhưng rất hạn chế so với tiềm năng...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Nhà nước bảo đảm đủ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành; tăng kinh phí để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu giáo dục - đào tạo, dạy nghề cho các trường du lịch và văn hóa; chương trình mục tiêu công nghệ thông tin; tăng kinh phí để thực hiện chống xuống cấp cơ sở vật chất, thay thế trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tập luyện thi đấu cho vận động viên, huấn luyện viên các đội tuyển...

Tại buổi làm việc, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng: Các nhiệm vụ của khối Báo chí, Xuất bản chủ yếu là nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền theo các chương trình, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ đề nghị Ủy ban có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt tiếp tục thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020 đối với các chương trình, đề án Bộ chủ trì triển khai thực hiện như: Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh truyền hình qua mạng internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài; tuyên truyền về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tăng cường công tác thông tin đối ngoại với Lào, Campuchia, và các nước ASEAN...

Cũng trong buổi sáng 22.9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với Bộ Nội vụ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, TTXVN...

Buổi làm việc có sự tham gia của các Bộ, đơn vị thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch và ngành thông tin và truyền thông
Buổi làm việc có sự tham gia của các bộ, đơn vị thuộc ngành văn hóa, thể thao, du lịch và thông tin - truyền thông

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chia sẻ  với những khó khăn của các đơn vị trước tác động của dịch Covid-19. Nhiều đại biểu quan tâm tới các nội dung như: Việc đầu tư bảo tồn di tích và phát huy giá trị di sản, việc chuẩn bị cho SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam, Quỹ Du lịch và xúc tiến du lịch quốc gia, quản lý báo chí và game online trong tình hình mới, sáng tác cho thiếu nhi và các chương trình truyền hình cho trẻ em...

Đánh giá cao các báo cáo đầy đủ của các bộ, đơn vị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, các bộ, đơn vị đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là ngành thông tin - truyền thông đã có những đóng góp, tác động huy động toàn xã hội chống dịch Covid-19, tạo niềm tin, sự thống nhất trong dư luận. Về tài chính, tỷ lệ giải ngân còn chậm ở cả ngành văn hóa và thông tin, cần đẩy mạnh trong những tháng cuối năm. Đây cũng là năm cuối của nhiệm kỳ, các bộ, đơn vị cần tiếp tục chuẩn bị cho giai đoạn 2021 - 2025, nhằm khắc phục những tổn hại do dịch bệnh, hướng tới phát triển, đặc biệt quan tâm tới hội nhập và văn hóa đang thay đổi mạnh mẽ, thông tin truyền thông chuyển biến nhanh chóng trong bối cảnh chuyển đổi số...

Ng. Phương