Đẩy lùi tội phạm ma túy

- Thứ Hai, 06/07/2020, 05:47 - Chia sẻ
Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam và các quốc gia đều thực hiện biện pháp hạn chế xuất, nhập cảnh qua biên giới nên hoạt động của các loại tội phạm phần nào được kiềm chế. Tuy nhiên, với nguồn lợi nhuận mang lại rất lớn, tội phạm liên quan đến ma túy vẫn diễn biến phức tạp... đòi hỏi các ngành chức năng tiếp tục chủ động phối hợp, tăng cường biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này.

Lợi dụng đại dịch Covid-19

Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Văn Viện cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với diễn biến phức tạp từ đại dịch Covid-19, tình hình tội phạm ma túy có xu hướng tăng. Số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số đối tượng bị phát hiện bắt giữ trong 6 tháng đầu năm tăng 9,46% số vụ so với cùng kỳ năm 2019.

Ngay giữa đại dịch Covid-19, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ một số vụ việc thanh niên sử dụng ma túy trong quán karaoke

Số liệu từ Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp cùng các lực lượng chức năng phát hiện 11.215 vụ, bắt giữ 15.775 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 235kg heroin, gần 1,6 tấn và 850.000 viên ma túy tổng hợp, 113kg cần sa.

Cụ thể, từ thời điểm cuối năm ngoái, xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng để mua bán trái phép chất ma túy. Thủ đoạn của các đối tượng là đưa chất ma túy vào bánh kẹo rồi rao bán trên mạng; điển hình vụ ngày 23 - 24.12.2019, tại TP Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp Công an TP Hà Nội bắt 2 đối tượng, thu giữ 37 chiếc bánh có chứa tổng số 1,54kg cần sa, 2 cối xay nhỏ dùng để cắt cần sa, 1 cân điện tử và nhiều đồ dùng, dụng cụ để làm bánh chứa cần sa. Tình trạng tội phạm ma túy sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ ngày càng manh động, nguy hiểm, thậm chí gây thương vong cho lực lượng công an (vụ đồng chí Sầm Quốc Nghĩa, Công an huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, hy sinh khi vây bắt tội phạm ma túy ngày 22.3.2020 là ví dụ điển hình).

Chưa hết, tình hình tổ chức sử dụng và chứa chấp sử dụng trái phép ma túy cũng tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, trong đó phải kể đến tình trạng tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm như quán bar, karaoke... có chiều hướng gia tăng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ngay cả trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở vẫn lén lút hoạt động, tổ chức sử dụng ma túy tại đây, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Ngăn chặn tội phạm từ cơ sở

Thực tế thời gian qua, quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an vừa khẩn trương ứng phó dịch bệnh Covid-19, vừa triển khai nhiều kế hoạch, phương án hành động, mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực, tình hình ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Trong đó, tại tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tăng mạnh do đây là tuyến chịu tác động trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán trái phép ma túy từ khu vực “Tam giác Vàng” vào trong nước. Trên tuyến Việt Nam - Trung Quốc, ma túy chủ yếu là heroin được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc, nguy hiểm nhất là các đối tượng người Trung Quốc chuyển vốn, nhân lực, kỹ thuật sang các nước khác trong đó có Việt Nam để sản xuất ma túy.

Trước dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như tội phạm ma túy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp, Cục trưởng Cục Điều tra tội phạm về ma túy, Đại tá Nguyễn Văn Viện cho biết: Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy toàn quốc sẽ tiếp tục bám tuyến, bám địa bàn cơ sở. Bên cạnh đó, Cục tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổ chức thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào tại địa bàn tỉnh Điện Biên; tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tại địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Đồng thời, phối hợp công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đấu tranh các chuyên án đã xác lập và đấu tranh mở rộng các chuyên án đã khám phá để triệt phá triệt để các đường dây tội phạm ma túy theo tinh thần chỉ đạo “không đánh khúc giữa” của Bộ trưởng Bộ Công an. 

Thiết nghĩ, để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này có hiệu quả, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, điều tra nghiệp vụ để nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật đối với người dân, với các cơ sở kinh doanh dịch vụ như vũ trường, karaoke, dịch vụ mát xa, xông hơi... Bởi, nếu từ cơ sở, người dân, chủ kinh doanh dịch vụ nắm, hiểu và chấp hành tốt các quy định pháp luật, cam kết “nói không với ma túy”, sẽ góp phần rất lớn vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy.

Hải Thanh