Dạy trẻ vẻ đẹp của âm nhạc

- Thứ Sáu, 29/05/2020, 07:01 - Chia sẻ
Tham gia biên soạn sách giáo khoa âm nhạc lớp 1 là trải nghiệm thú vị đối với nghệ sĩ piano Trang Trịnh. Đó là hành trình giúp các bạn nhỏ thể hiện cảm xúc, nói lên những điều mình mong muốn. Đó là sức mạnh của âm nhạc, như nghệ sĩ chia sẻ: “Hãy để chúng tôi dạy các con vẻ đẹp của âm nhạc, và âm nhạc sẽ dạy các con vẻ đẹp của cuộc sống...”.

Trải nghiệm âm nhạc thực sự

- Là đồng tác giả sách giáo khoa Âm nhạc 1, bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, áp dụng từ năm học 2020 - 2021, xin chị cho biết cuốn sách này có gì đặc biệt?

- Thực ra, từ trước đến nay chúng ta chưa từng có sách giáo khoa âm nhạc dành cho học sinh lớp 1, mà chỉ có sách dạy bài hát cho các lớp 1, 2, 3. Cuốn sách này sử dụng phương pháp mới, cho các em được trải nghiệm âm nhạc thực sự. Ngay trang đầu, một chuyến tàu xuất hiện, các bạn nhỏ bước vào hành trình. Chuyến đi mở ra bằng câu hỏi: “Em có thể nghe được âm thanh phát ra từ đâu?”. Đó là bài học đầu tiên về cách lắng nghe âm thanh cuộc sống, để rồi khi năm học kết thúc cũng là lúc hành trình khép lại để mở ra những điều mới mẻ tiếp theo vào năm học sau.


Nghệ sĩ piano Trang Trịnh hướng dẫn các bạn nhỏ chơi đàn

- Từ việc biên soạn sách, chị nhận thấy đâu là điểm khó khi thực hiện sách giáo khoa âm nhạc dành cho học sinh lớp 1?

- Cái khó đầu tiên là làm thế nào tạo ra được một cuốn sách có thể sử dụng ở mọi nơi, thành phố hay nông thôn, cho các bạn chưa biết đến âm nhạc hay đã được tiếp xúc với âm nhạc từ trước. Muốn vậy, phải chuẩn bị kho tư liệu kênh hình, kênh tiếng phù hợp với với trẻ. Khó khăn thứ hai, khi mới vào lớp 1, trẻ cần môi trường học tập đặc biệt, chứ chỉ ngồi yên một chỗ, bảo các em nghe nhạc, đọc nhạc, ca hát hay chơi nhạc cụ thì rất khó. Nghĩa là phải tổ chức hoạt động đa dạng như trò chơi, câu đố, kể chuyện âm nhạc... Và điều rất quan trọng là gây được cảm hứng cho giáo viên, vì sách giáo khoa viết hay đến đâu mà không tổ chức được hoạt động thì cũng không hiệu quả, nhưng điều này có thể giải quyết bằng đào tạo, bồi dưỡng cho thầy cô.

- Nhiều người băn khoăn âm nhạc có là bộ môn phù hợp với tất cả các bạn nhỏ, và nên chăng là môn tự chọn, em nào có sở thích và năng khiếu sẽ chọn học. Chị nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Âm nhạc nằm sâu trong mỗi con người, sâu hơn cả ký ức, ngôn ngữ. Âm nhạc có thể chạm vào phần mà thứ khác khó chạm được. Đó là lý do âm nhạc được lựa chọn là một bộ môn trong giáo dục tiểu học, và việc học nhạc rất cần thiết cho độ tuổi này. Âm nhạc sẽ giúp các con nuôi dưỡng khả năng nhìn thấy những điều đẹp đẽ trong đời sống. Tôi tin rằng mọi người đều có năng khiếu về âm nhạc. Khả năng ấy không hẳn để trở thành nghệ sĩ, nhưng sẽ đủ để yêu, để rung động và hạnh phúc với âm nhạc cả cuộc đời.

- Nhưng thực tế bao năm qua, có suy nghĩ chán học, sợ học âm nhạc, một phần bởi bài kiểm tra đọc thuộc nốt nhạc, thuộc lời, giai điệu bài hát… Chúng ta có thể nhìn nhận, lý giải những điều ấy ra sao?

- Trước đây, học nhạc trong nhà trường hầu hết là học kiến thức với những nốt nhạc. Rất may, trong chương trình giáo dục mới, cách tiếp cận âm nhạc không chỉ là năng lực hát. Điều đó thể hiện trong 3 năng lực hướng tới của cuốn sách này: Thứ nhất, năng lực thể hiện âm nhạc (hát, chơi nhạc cụ, hòa tấu...); thứ hai, cảm thụ và hiểu biết; thứ ba, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc. Ví dụ, các bạn nhỏ có thể sử dụng chính giọng hát, vỗ tay... của mình để tạo ra giai điệu, hay có thể hiểu bài hát biểu hiện được lòng yêu thương với cha mẹ... Ba năng lực ấy sẽ khiến việc học nhạc trở nên toàn diện, hấp dẫn hơn, tiếp cận đa dạng học sinh hơn, để không bất kỳ trí thông minh nào của các con có thể bị bỏ quên.

Một hành trình hạnh phúc

- Những điều chị vừa nói cũng giống như việc học âm nhạc là khơi dậy trong mỗi bạn nhỏ vẻ đẹp của âm nhạc thay vì xem các em học được những gì?

- Đúng vậy. Nếu không thể đem đến vẻ đẹp của âm nhạc, trải nghiệm âm nhạc thực sự, để âm nhạc có ý nghĩa trong cuộc sống của trẻ thì việc học âm nhạc cũng vô nghĩa. Nhưng để trẻ trải nghiệm âm nhạc và tự kiến tạo tri thức, năng lực, thì giá trị ấy thuộc về trẻ.

- Điều gì khiến chị tin như thế, về giá trị mà âm nhạc mang đến cho tâm hồn trẻ thơ?

- Cách đây 4 năm, tôi có cơ hội lên Mèo Vạc, Hà Giang. Tôi và các bạn nhỏ người Mông cùng dựng một vở nhạc kịch, nhân vật chính là bạn nhỏ tự lấy tên mình là Tảng Đá. Tôi hỏi con tại sao lại lấy tên đó, con nói rằng ở cao nguyên đá này, dù nắng hay mưa, Tảng Đá cũng rất mạnh mẽ. Con muốn mạnh mẽ để bảo vệ mẹ, bởi vì mỗi khi say rượu, bố thường hay đánh mẹ, bố nói không muốn con đi học nữa. Ngày hôm ấy, chúng tôi dựng vở nhạc kịch, rất mong bố mẹ của Tảng Đá có thể tới, nghe em hát, cảm nhận được nỗi đau và khát khao của em là được đi học, nhưng rất tiếc họ đã không tới. Ở phần cuối nhạc kịch, Tảng Đá đã hát bài hát mà em tả với chúng tôi là con đã hát và khóc với mưa. Bài hát đấy dịch ra như thế này: Bố ơi, mùa xuân đến, đến cỏ cây còn thay lá thế mà bố của chúng con cứ rượu chè, thì bao giờ chúng con mới có được cuộc sống mới. Tôi đã khóc rất nhiều, mọi người cũng đã khóc rất nhiều, một phần vì cảm giác bất lực không thể giúp Tảng Đá. Nhưng rồi, Tảng Đá chính là người an ủi, em nói rằng: Cô ơi, ở cao nguyên đá, cô chỉ cần nhìn xuống thung lũng, trong cơn mưa có rất nhiều cầu vồng. Và thay vì kết vở nhạc kịch bằng bài hát về bố, Tảng Đá đã hát bài hát về cầu vồng. Đó chẳng phải là sức mạnh của âm nhạc sao?

- “Hãy để cho chúng tôi dạy các con vẻ đẹp của âm nhạc và âm nhạc sẽ dạy các con vẻ đẹp của cuộc sống...”, chị kỳ vọng điều gì khi lan tỏa thông điệp đó, thông qua cuốn sách giáo khoa âm nhạc lớp 1 này?

- Có câu nói thế này: “Cuộc sống không được tính toán bằng tổng số hơi thở của bạn, mà bằng giây phút khiến bạn phải nín thở vì nó quá đẹp, quá tuyệt vời”. Tôi luôn tin rằng học bất kỳ cái gì, cuối cùng là để làm người - một con người có thể sống với sự đủ đầy nhất, hạnh phúc nhất. Cho nên, việc các bạn nhỏ có thể cảm nhận, rung động với điều đẹp đẽ trong cuộc sống, và chọn để sống đẹp là một điều quan trọng. Các em học bài hát về bình minh, biết yêu bình minh, yêu mặt trời, yêu thiên nhiên... rồi có những chọn lựa để không làm hại môi trường chẳng hạn. Đấy là những gì tôi kỳ vọng từ cuốn sách này, để âm nhạc tác động đến cuộc sống, để các em hiểu về những điều làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, cho mình và cho người khác.

- Xin cảm ơn chị!

Lê Thư thực hiện