Sổ tay

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:42 - Chia sẻ
Việc thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, đã góp phần giúp UBND cấp huyện kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, mô hình này còn tồn tại nhiều bất cập, tạo nên những thách thức không nhỏ trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Một trong những địa phương đi đầu và triển khai thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã là Hà Nội. Sau gần 2 năm triển khai, báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy: Từ khi triển khai Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng cấp huyện trên địa bàn Thủ đô, công tác quản lý trật tự xây dựng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Trong năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đã ban hành 1.128 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tổng số tiền xử phạt 9,9 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, đạt 100% có hoạt động xây dựng trên địa bàn. Tỷ lệ công trình có phép, miễn phép chiếm 98,4%. Qua đó, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ 3,07%), giảm 2,15% so với cùng kỳ năm 2018. UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 293/605 trường hợp (đạt tỷ lệ 78%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 212 trường hợp.

Có được kết quả trên là nhờ sau khi thực hiện thí điểm, công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã và của Thanh tra Sở Xây dựng đã được kiện toàn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn quản lý hiện nay. Lực lượng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm; việc xử lý vi phạm được thực hiện theo đúng quy trình, đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế thí điểm cũng cho thấy, các công trình vi phạm có giảm nhưng lại diễn ra với chiều hướng phức tạp, khó quản lý. Đặc biệt, các Đội quản lý trật tự xây dựng tại một số địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm những công trình vi phạm tồn đọng từ nhiều năm trước, đặc biệt là giai đoạn 2015 - 2016.

Một trong những khó khăn, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xử lý vi phạm chưa dứt điểm là do hiện nay quy định về biên chế ít, trong khi đó số lượng nhân sự tại các địa bàn còn mỏng, thiếu. Một cán bộ phải phụ trách nhiều công việc, địa bàn cùng một lúc hoặc cán bộ làm việc chưa đúng chuyên môn nên một số công trình vi phạm không được phát hiện kịp thời, xuất hiện tình trạng tiêu cực trong quản lý. Đã vậy, theo quy chế hoạt động, Đội quản lý trật tự xây dựng chỉ có chức năng phát hiện, lập biên bản sự việc, không được phân quyền về xử phạt nên việc tham mưu về phương án xử lý lại mất thêm một khoảng thời gian, cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc ngăn chặn các vi phạm xây dựng trên địa bàn...

Từ thực tế này, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc để mô hình này hoạt động lâu dài, hiệu quả, tạo kết quả tốt, xử lý triệt để những vi phạm gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Cùng với đó, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp huyện, coi công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, gắn với công tác phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính. Thực tiễn quản lý cho thấy, nơi nào người đứng đầu địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì công tác quản lý trật tự xây dựng tại nơi đó đạt hiệu quả cao.

Hải Thanh