Để cử tri hiểu rõ và lựa chọn người đại diện cho mình

- Thứ Năm, 05/05/2016, 07:55 - Chia sẻ
Ngày bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã cận kề. Chia sẻ với PV Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBBC tỉnh Yên Bái DƯƠNG VĂN THỐNG cho rằng, phải tạo điều kiện cho cử tri hiểu rõ hơn về các ứng cử viên để lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất.

Bảo đảm công bằng cho các ứng cử viên

- Nhìn vào danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp vừa được công bố, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các ứng cử viên?


Ảnh: Huyền Loan
- Thời điểm hiện tại Yên Bái đã chủ động, nghiêm túc thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử theo chỉ thị của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương. Đến nay, đã thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác chuẩn bị bầu cử. Sau Hiệp thương lần 3, Tỉnh Yên Bái đã công bố danh sách chính thức 10 ứng cử viên ĐBQH, 102 ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp. Toàn bộ ứng cử viên đều bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ, thành phần theo hướng dẫn của UBTVQH. Nhìn chung, chất lượng các ứng cử viên được nâng cao. Đối với ứng cử viên ĐBQH chủ yếu có trình độ đại học và thạc sĩ. Ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp đều bảo đảm trình độ chuyên môn, chính trị và năng lực.

- Việc triển khai vận động bầu cử của các ứng cử viên là nội dung trọng tâm từ nay đến ngày bầu cử. Yên Bái đã có những kế hoạch cụ thể nào để bảo đảm công bằng cho ứng cử viên cũng như cử tri chọn được người đại diện xứng đáng nhất?

- Hiện danh sách ứng cử viên đã được niêm yết, để bảo đảm sự công bằng trong vận động bầu cử của các ứng cử viên và tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn người đại diện xứng đáng, ứng cử viên sẽ được hướng dẫn xây dựng chương trình hành động của mình để tiến hành vận động bầu cử. Đối với ứng cử viên ĐBQH, yêu cầu đặt ra là phải nắm được Luật Tổ chức QH, các quy chế hoạt động của QH. Sau đó, căn cứ vào thực tế công tác, nhiệm vụ của mình theo quy định để xây dựng các chương trình hành động báo cáo với cử tri. Vì số lượng ứng cử viên ĐBQH ít nên mỗi người sẽ có 2 - 3 phút để phát biểu trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, dựa vào đó cử tri sẽ có điều kiện xem xét, lựa chọn người đại biểu của mình.

Đối với ứng cử viên đại biểu HĐND, tỉnh sẽ chỉ đạo, tạo điều kiện cho các ứng cử viên có thể đi hết các xã để tuyên truyền, vận động, nói về những nhận thức, trách nhiệm của mình khi trúng cử. Trên tinh thần bảo đảm cho tất cả các ứng cử viên đều được tiếp xúc với cử tri, để cử tri hiểu rõ hơn về người đại diện cho mình, có đầy đủ thông tin lựa chọn đại biểu ưu tú nhất.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động

- Với hơn một nửa dân số là dân tộc thiểu số, việc triển khai công tác bầu cử không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Tỉnh đã có những phương án chuẩn bị cụ thể nào để tất cả cử tri hiểu và thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong ngày hội dân chủ sắp tới, thưa ông?

- Tỉnh Yên Bái có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 53% dân số, có 2 huyện và 72 xã đặc biệt khó khăn. Địa hình rộng, hiểm trở và sự hạn chế trong hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số chính là những khó khăn của những tỉnh miền núi nói chung. Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 với nhiều nội dung đổi mới, công tác tuyên truyền được tất cả các địa phương đặt làm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Yên Bái đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền dài hơi về Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; Luật Tổ chức chính quyền địa phương để nâng cao hiểu biết của người dân và cử tri trong cuộc bầu cử tới thông qua các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hội nghị về công tác bầu cử, lồng ghép nội dung bầu cử trong các cuộc họp lớn, nhỏ ở cả 3 cấp. Tại các địa phương, chúng tôi có in ấn băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, tranh ảnh cổ động… Đặc biệt, bố trí lực lượng cán bộ lưu động kết hợp với cán bộ phụ trách từng xã, thôn để trực tiếp tuyên truyền miệng đến từng cử tri.

- Không ít địa phương đã từng xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong ngày bầu cử. Yên Bái đã chủ động ngăn chặn tình trạng này như thế nào, thưa ông?

- Yên Bái không có điểm nóng về an ninh trật tự và cũng không có khiếu kiện đông người. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình chuẩn bị và trong ngày bầu cử. Lực lượng chức năng luôn nắm chắc tình hình, phát hiện vấn đề nảy sinh để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, lấy công tác vận động quần chúng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo đảm an ninh trật tự luôn được chú trọng.

Yên Bái có 8 vấn đề cần chú trọng, xem xét xử lý thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét giải quyết được 5 vấn đề. Còn lại, hiện chú trọng xử lý các vấn đề về giải phóng mặt bằng, các công trình dự án, hỗ trợ nhân dân sau xây dựng cao tốc Nội Bài - Lào Cai và có một số đơn thư khiếu kiện cần giải quyết sớm nhưng nội dung đơn thư không liên quan đến các ứng viên và công tác bầu cử. Tuy nhiên vẫn cần giải quyết sớm, tránh bức xúc nảy sinh. Dự báo không có tình hình phức tạp, tuy nhiên, chúng tôi luôn có phương án dự phòng trong đột xuất về an toàn giao thông, bức xúc khiếu kiện phát sinh, thiên tai, địch họa… làm sao để ngày bầu cử diễn ra thành công nhất.

- Xin cảm ơn ông!

 Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử được thực hiện đồng bộ theo đúng Luật định, thực hiện các bước theo đúng lịch trình của HĐBC Quốc gia và UBTVQH, tôi tin chắc rằng cuộc bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Yên Bái tới đây sẽ bảo đảm đúng quy định, dân chủ, an toàn và thành công. Mục tiêu cao nhất là bảo đảm cơ cấu và chọn được những đại biểu ưu tú, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri để luôn hoàn thành nhiệm vụ, phát huy trách nhiệm của mình

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBBC tỉnh Yên Bái Dương Văn Thống

ĐÀO CẢNH thực hiện