Để doanh nghiệp yên tâm

- Thứ Hai, 24/08/2020, 08:52 - Chia sẻ
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là con đường không thể khác để sống sót qua đại dịch Covid-19 và vươn lên thịnh vượng khi đại dịch qua đi. Đó là quan điểm chung được lãnh đạo gần 200 doanh nghiệp hàng đầu nước ta chia sẻ tại một diễn đàn tổ chức gần đây. “Trong nguy có cơ”, nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng phó với tác động của đại dịch, vượt qua khủng hoảng bằng các biện pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình làm việc, tối ưu nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ số.

Cũng chính vì hiệu quả mà chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo mang lại cho doanh nghiệp là hiện hữu và rất lớn như vậy, nên một câu hỏi được đặt ra từ lâu và sẽ ngày càng nóng bỏng hơn trong thời gian tới chính là, tài sản của các doanh nghiệp trong nền kinh tế số được bảo vệ như thế nào?

Khung pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin thực ra đã được luật hóa tại Điều 69, Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Tuy nhiên, các quy định này, theo đánh giá của các chuyên gia, dường như mới chỉ hướng đến việc bảo vệ phần mềm, nội dung số với tư cách quyền tác giả và quyền liên quan. 15 năm qua, đặc biệt là mấy năm trở lại đây, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã làm phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này cũng như trong một nền kinh tế số. Đơn cử như dữ liệu - tài sản có giá trị rất cao của doanh nghiệp - nhưng quy định pháp luật để xử lý các hành vi xâm phạm đến dữ liệu doanh nghiệp được đánh giá là chưa đủ rõ và chưa hiệu quả.

“Tài sản có giá trị nhất trong kinh tế số là gì? Là sáng chế, là phần mềm, là dữ liệu... Thế nhưng, việc bảo vệ các loại tài sản này ở Việt Nam thực sự yếu”, một chuyên gia pháp chế nhận xét. Trong văn bản gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra vấn đề rất lớn hiện nay là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với dữ liệu của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin với tư cách là bí mật kinh doanh.

“Tình trạng dữ liệu của doanh nghiệp bị đánh cắp (do người lao động hoặc đối thủ cạnh tranh) diễn ra tương đối nhiều mà chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu để xử lý. Có trường hợp, cơ quan nhà nước không coi dữ liệu là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (dưới dạng bí mật kinh doanh) nên không được áp dụng cơ chế bảo vệ phù hợp”, VCCI cho biết. Đó là chưa kể, khi những tranh chấp liên quan đến “tài sản số” của doanh nghiệp (bao gồm cả sáng chế, công nghệ, phần mềm, dữ liệu...) xảy ra, thì việc tiếp nhận, xử lý, thậm chí là khởi kiện cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Đại dịch Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế truyền thống thì ở một góc độ khác lại đang tạo ra những điều kiện và sức ép thúc đẩy sự phát triển của chuyển đổi số, kinh tế số. Tất nhiên, việc chuyển đổi số, tham gia vào nền kinh tế số trên thực tế cũng không hề dễ dàng. Không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng hay có đủ nguồn lực để thực hiện. Và càng không phải doanh nghiệp nào tiến hành chuyển đổi cũng nhất định sẽ thành công. Chỉ cần sơ sểnh, dữ liệu, phần mềm, sáng chế, công nghệ... bị đánh cắp, xâm phạm, tuồn cho đối thủ cạnh tranh thì doanh nghiệp đã có thể chuyển từ thành công sang thất bại.  

Trong bối cảnh như vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ về thể chế là hết sức quan trọng. Đầu tháng 6 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với tầm nhìn đến năm 2030 với những mục tiêu đầy tham vọng, vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu.

Ngay trong Chương trình này cũng đã khẳng định, với vai trò là một động lực của chuyển đổi số, thể chế phải đi trước một bước. Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi, sẽ sớm có các quy định cụ thể hơn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các “tài sản số” của doanh nghiệp, đặc biệt là về dữ liệu với tư cách bí mật kinh doanh và thiết lập một cơ chế xử lý hiệu quả hơn các tranh chấp trong lĩnh vực này để họ có thể yên tâm hơn khi quyết định đầu tư vào công nghệ, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, tham gia nền kinh tế số.

Hải Lam