Để không tăng chi phí

- Thứ Sáu, 19/07/2019, 07:43 - Chia sẻ
Tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (gọi tắt là Đề án) trong 6 tháng đầu năm 2019, do Bộ Xây dựng tổ chức chiều qua, các đại biểu cho rằng, để bảo đảm tiến độ triển khai Đề án, cần làm rõ thế nào là tính đúng, tính đủ định mức và đơn giá; hướng dẫn các địa phương rà soát đúng nhiệm vụ để không làm tăng chi phí…

Hoàn thành rà soát 100% định mức

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Phạm Văn Khánh, đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã hoàn thành công tác rà soát 100% định mức tương ứng với 14.738 định mức do Bộ công bố. Trong đó, đã loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức và bổ sung 1.786 định mức. Hiện, Bộ đang thẩm định kết quả rà soát này.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng ban hành các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Cụ thể, Bộ đang dự thảo 11 thông tư hướng dẫn các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng theo nội dung quy định tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ - CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện đang trình Chính phủ. Bộ cũng đã nghiên cứu, xây dựng và đang hoàn thiện về cơ bản nội dung của các phương pháp xác định định mức, giá xây dựng và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật.


Hiện Bộ Xây dựng đã hoàn thành rà soát 100% hệ thống định mức do Bộ công bố
Nguồn: Báo Hànộimới

Điểm đáng chú ý được ông Phạm Văn Khánh nêu bật là Bộ đã ban hành quyết định số 389/QĐ - BXD ngày 20.5.2019 phê duyệt dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị. “Hiện, chúng ta đang có hệ thống thông tin phục vụ quản lý song nằm rải rác, sơ sài, chưa đồng bộ để đánh giá, so sánh, trên cơ sở đó đưa ra những dự báo phục vụ cho công tác quản lý. Với việc xây dựng hệ thống này sẽ khắc phục được hạn chế trên, tạo thị trường minh bạch, công khai, chống thất thoát lãng phí”, ông chia sẻ.

Về phía các bộ, ngành, địa phương, mặc dù việc triển khai Đề án trong năm 2018 “rất chậm khiến Bộ Xây dựng và cơ quan thường trực rất sốt ruột” song đến thời điểm này, nhiều bộ, địa phương đã có báo cáo với những kết quả khả quan, Cục trưởng Phạm Văn Khánh thông tin. Chẳng hạn, Bộ Giao thông - Vận tải (GT - VT) đã công bố 20 định mức/đơn giá ca máy, thiết bị thu công phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; sửa 93 định mức trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải…; Bộ NN - PTNT đã ban hành 26 bộ định mức dự toán xây dựng, 3 bộ định mức tư vấn chuyên ngành với tổng số 732 định mức…

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án thừa nhận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Theo đó, công tác rà soát các định mức chuyên ngành và định mức đặc thù của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương dù được triển khai song chưa đầy đủ, nguồn lực còn nhiều khó khăn. Thêm nữa, mặc dù Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn tài chính chi tiêu thực hiện Đề án song nhiều bộ, ngành, địa phương phản ánh vẫn còn khó khăn. Cụ thể, một trong những nguồn kinh phí thực hiện Đề án là sử dụng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học nên phải chi tiêu theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Song, “đây là Đề án đặc thù, công tác xây dựng và rà soát định mức đòi hỏi chuyên môn sâu. Một số công việc được giao cho cơ quan sự nghiệp thực hiện nhưng do khối lượng quá lớn nên phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện. Như vậy, nếu chi tiêu theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ bị vướng”, ông Khánh nói.

Làm rõ thế nào là tính đúng, tính đủ?

Nhằm bảo đảm tiến độ triển khai và giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An kiến nghị, cần khẩn trương xây dựng và ban hành phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới đáp ứng yêu cầu và thực tiễn, đặc biệt trong công tác cần huy động nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần công bố các đơn vị tư vấn, các hiệp hội có năng lực làm cơ sở các bộ, ngành, địa phương phối hợp trong quá trình rà soát hệ thống định mức, đơn giá (công bố trên website của Bộ Xây dựng). Đồng thời, cần sớm xem xét, có ý kiến đối với các kết quả rà soát định mức chuyên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ đô thị…

Cho rằng trong bối cảnh công nghệ thay đổi liên tục, yêu cầu phải tính đúng, tính đủ, chuẩn xác định mức cho giai đoạn đến năm 2021 và cả những năm sau đó rất khó nên Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam Nguyễn Thị Duyên nhấn mạnh “cần làm rõ việc tính đúng, tính đủ là thế nào? Công nghệ tiên tiến là công nghệ gì?”. Mặt khác, việc tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nước, song nên thống nhất chuyển các tài liệu này sang tiếng Anh để bảo đảm sự thống nhất, thuận tiện hơn trong công tác tìm hiểu, nghiên cứu.

Theo phản ánh của nhiều bộ, ngành, địa phương, một trong những khó khăn khi thực hiện Đề án là kinh phí. Song, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ lại tỏ ý “rất băn khoăn” khi  “đến bây giờ cũng chưa biết kinh phí đó được sử dụng như thế nào?”, dù Bộ rất ưu tiên bố trí nguồn vốn cho Đề án. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ rõ, ngay trong kế hoạch của nhiều bộ như Bộ GT - VT, Bộ NN - PTNT… khi làm kế hoạch cũng chưa thấy có gạch đầu dòng nào nói riêng về nội dung này. Do vậy, theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, “quan trọng nhất là xuất phát từ phía các bộ” và lưu ý “cần bám sát Đề án để sử dụng nguồn vốn đúng quy định”.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, mục tiêu đến năm 2021 phải hoàn thành Đề án là công việc rất nặng nề, đòi hỏi các thành viên trong Ban Chỉ đạo cần bám sát thực hiện.  Đặc biệt, cần có hướng dẫn cho các địa phương rà soát những nội dung gì và bố trí tài chính tương ứng, tránh tình trạng rà soát không đúng nhiệm vụ làm tăng kinh phí.

Đồng thời, ông yêu cầu các bộ chuyên ngành cần tiếp tục hoàn thiện các kết quả rà soát định mức đã ban hành, nhất là với các Bộ GT - VT, Công thương, NN - PTNT. Tiếp đó, sau khi Nghị định sửa đổi Nghị định 32 được ban hành, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính cần hoàn thiện việc xây dựng 13 thông tư hướng dẫn có liên quan để kịp ban hành theo quy định.

Ngoài ra, đại diện Bộ Xây dựng cũng kiến nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện công tác rà soát định mức và giá xây dựng nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất, phục vụ tốt nhất các mục tiêu quản lý chi phí đầu tư xây dựng của các công trình xây dựng chuyên ngành cũng như các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đặc thù tại địa phương. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc triển khai, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả mang lại theo đúng kỳ vọng của Đề án.

Đan Thanh