Câu chuyện đại biểu

Để người dân cảnh giác với chiêu trò bán hàng lừa đảo

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 10:49 - Chia sẻ
Lợi dụng các vùng nông thôn, người già, phụ nữ thật thà, cả tin, nhiều đối tượng núp dưới danh làm từ thiện, chăm sóc sức khỏe để bán hàng, bán bảo hiểm nhân thọ đang là vấn đề đông đảo cử tri phản ánh với đại biểu dân cử. Qua phản ánh của cử tri, tôi không chỉ nắm bắt thông tin mà quan trọng là kiến nghị giải quyết dứt điểm tình trạng trên; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng để người dân cảnh giác với các chiêu trò bán hàng lừa đảo.

Bảo hiểm “lừa”

Đang ngồi làm việc thì tôi nghe chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia là tiếng của bác Tam - một cử tri tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận phân trần: “Con có rảnh không, trưa lại nhà mệ ăn cơm có chuyện ni (này) nhờ con chút”. Xong giờ làm việc tôi phi xe đến ngay nhà bác Tam. Đón tôi có thêm cả chị Hạnh - hàng xóm bác Tam và mẹ chồng chị ấy. Vừa cầm chén nước, bác Tam đã đưa cho tôi một tập tài liệu về hợp đồng bảo hiểm Hanwha Life của chị Hạnh và thông báo hủy hợp đồng của Công ty. Xem hợp đồng, mới ký được 3 tháng. Tôi thắc mắc: Sao mới ký mà đã hủy? Thế họ có trả lại tiền không? Chị Hạnh lắc đầu: Họ nói khai không trung thực và không trả lại tiền, chiếm luôn 12 triệu em ạ. Nhìn người phụ nữ trung tuổi, gầy gò, tất tả trong bộ quần áo công nhân đóng gạch, tôi không khỏi xót xa. Số tiền ấy đối với gia đình chị chắc chắt bóp mấy năm mới có.


Đại biểu HĐND thị xã Hồng Lĩnh gặp gỡ, trao đổi với cử tri Tổ dân phố 4, phường Nam Hồng
Ảnh: Bình Nguyên

Cách đây 3 tháng, nghe lời cô bạn thân, chị Hạnh đi theo ra tận TP Vinh, tỉnh Nghệ An để tham gia một cuộc tư vấn do Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Hanwha Life Việt Nam tổ chức và rồi đồng ý ký 1 hợp đồng gói 12 triệu đồng vì những quyền lợi hấp dẫn mà tư vấn viên rót vào tai chị. Vốn chất phác, hiền lành nên tư vấn bảo sao, chị nghe vậy, hợp đồng nhanh chóng hoàn tất. Chị khấp khởi mừng thầm vì như lời bảo đảm gói bảo hiểm này sẽ bảo hiểm sức khỏe cho mẹ con chị và sau này chị sẽ có một chút vốn. Nhưng đùng một cái, Công ty phát giấy hủy hợp đồng với lý do chị khai báo không trung thực bệnh tình và chiếm trọn số tiền 12 triệu đồng.

Thế khi chị ký hợp đồng họ có mời chị khám sức khỏe không? Chị Hạnh lắc đầu. Trong tờ khai chị không đọc à? Chị Hạnh bảo tư vấn nói chỉ việc điền thông tin cá nhân, số chứng minh thư còn lại để cô ấy lo. Cả tin, nên giờ họ hủy với cớ đó, chị Hạnh rối như tơ vò, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, ky cóp được ngần ấy coi như đi tong.

Tôi xem xong hồ sơ và hướng dẫn chị liên hệ lại với tư vấn để được giải quyết nhưng chị bảo cô tư vấn đã đi xa rồi, không liên hệ được. Ra Vinh họ nói Công ty mẹ ở Sài Gòn, có gì viết đơn gửi vô trong đó. Tôi lấy số điện thoại liên hệ của Hanwha Life trên thông báo gọi thì gặp cô tư vấn viên, cô ấy từ chối trả lời tôi và chỉ giải thích cho chị Hạnh, khi chị Hạnh hỏi thì cũng được lặp lại nguyên bài đã thuộc lòng như tờ thông báo. Cứ lòng vòng như vậy, rốt cuộc tôi cũng chẳng giúp gì được cho chị Hạnh bởi họ căn cứ cái có lợi cho họ, còn về giấy tờ, chị Hạnh không nắm được còn cô tư vấn đã tích đầy đủ thì lại không liên hệ được nữa. Thương chị nhưng biết làm sao được bởi chị cũng không phải là trường hợp duy nhất của việc này.

Thực tế, khi tư vấn mua bảo hiểm vì muốn đạt doanh số, nhiều tư vấn viên chỉ tư vấn những mặt lợi cho khách hàng, làm sao lôi kéo để đạt được mục đích là ký hợp đồng vậy nên mới xảy ra chuyện “hủy” hợp đồng. Hợp đồng thiếu thông tin, giấu bệnh, nộp phí trễ, chữ viết không phải của người mua... là những yếu tố mà các công ty bảo hiểm “vạch lá tìm sâu” để “hủy” hợp đồng, chiếm trọn tiền và từ chối bồi thường cho khách hàng.

Vừa buồn, vừa vui

Bảo hiểm “lừa” đã đành, ở những vùng nông thôn, thậm chí ở cả thành thị vẫn thường xuyên xảy ra việc lợi dụng từ thiện, thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi và phụ nữ để bán hàng. Theo đó, sau khi được sự đồng ý của chính quyền (có nơi không qua chính quyền mà qua hội xã hội, đoàn thể như: Người cao tuổi, phụ nữ cho dễ; hoặc về thẳng thôn, tổ dân phố). Sau khi tuyên truyền, tặng quà như giấy giới thiệu đã cam kết, các tư vấn viên tiếp cận người dân để bán sản phẩm, ghi danh sách và thậm chí lấy số điện thoại để bán thuốc tại nhà. Một số nơi, người dân phản ánh kịp với chính quyền thì ngăn chặn được, nhưng cũng có nơi chính quyền không biết, người dân mua phải thuốc dỏm, đắt thì không biết kêu ai vì sau khi bán hàng xong, doanh nghiệp cũng đã đi xa, chính quyền biết thì cũng đã muộn.

Tiếp nhận những thông tin trên tôi vừa vui, vừa buồn, vui vì cử tri đã tin tưởng, chia sẻ và buồn vì nếu như tôi nắm được thông tin sớm hơn, nhất là những băn khoăn trăn trở thì có lẽ người dân đã không bị lợi dụng. Nói như bác Tam: “Có chuyện chi mệ (bà) cũng gọi cho con để trao đổi nhưng chuyện của Hạnh muộn quá con hè (nhỉ)”.

Nhờ mạng di động, internet giúp việc liên hệ với cử tri ngày càng nhanh nhạy, kịp thời hơn nên tôi nhận được khá nhiều thông tin liên quan mà cử tri cung cấp. Qua phản ánh của cử tri, tôi không chỉ nắm bắt thông tin mà quan trọng là có giải pháp để kiến nghị giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Nhờ thông tin đó, tham mưu đưa vào nội dung giám sát, giải trình đối với các địa phương có liên quan. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng để người dân cảnh giác, không bị lợi dụng lừa đảo như thực trạng hiện nay.

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh