Để tham nhũng không còn là trở ngại

- Thứ Tư, 29/07/2020, 23:58 - Chia sẻ
Tại một hội thảo có chủ đề Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức trước đây, một chuyên gia đã phát biểu: Khi hỏi, doanh nghiệp đều trả lời đã thấy nỗ lực xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng mới chỉ ở tầm Chính phủ. Còn về đến bộ, ngành địa phương nỗ lực ấy giảm đi nhiều. Cho nên, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là vô cùng bức bách ở Việt Nam, cần quan tâm nhiều trong thời gian tới.

Nay, có thể những mối lo ngại này đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể toàn tâm, toàn ý "chiến đấu" với các đối thủ cạnh tranh, tận dụng thời cơ hội nhập... để phát triển mà vẫn phải đối mặt với trở ngại xưa cũ: Tham nhũng. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây, hơn một nửa số công ty được khảo sát đã báo cáo về việc chi trả các chi phí không chính thức. Vấn đề đã được nhận diện. Điều còn lại là giải pháp hữu hiệu nào để ngăn ngừa.

Nói như Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm tại Hội thảo Tham vấn Dự thảo báo cáo đánh giá và hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì nạn tham nhũng đã và đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc. Vì tham nhũng là vấn nạn, thách thức đối với doanh nghiệp nên yêu cầu tất yếu đặt ra đó là phòng, chống. Thực hiện điều này, một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

Thế nhưng nước ta vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư. Vậy để phòng chống tham nhũng hiệu quả phải làm gì? Trước tiên là phải công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động. Tiếp đó là kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp và cuối cùng là xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Có thể về mặt giải pháp, những gì đã nêu ở trên là đủ, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều cái khó, thậm chí rất khó. Một trong những cái khó cốt lõi nhất đó là con người. Nếu những người thực thi nhiệm vụ liêm chính, doanh nghiệp sẽ không có "cửa" để "bôi trơn" hoặc dựa vào các mối quan hệ để tạo thuận lợi trong hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động thực sự minh bạch và quyết tâm nói không với tiêu cực, đấu tranh đến cùng với mọi sự nhũng nhiễu thì tham nhũng sẽ khó có "đất" tồn tại.

Hoặc có thể, giải pháp đơn giản như một chuyên gia kinh tế đã từng nói, đó là cần làm cho hoạt động kinh doanh tự do hơn, thuận lợi hơn, an toàn hơn, rủi ro giảm và chi phí giảm. Muốn vậy, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cả về quy mô và cường độ, để tham nhũng không còn trở ngại lớn nhất trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Khương Ninh