Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ 7 tại Hà Nam

Để việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương khắc phục được vướng mắc trên thực tế

- Thứ Ba, 17/09/2019, 07:51 - Chia sẻ
Lược ghi Báo cáo đề dẫn củaỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, ỦY VIÊN ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU TRẦN VĂN TÚY tại hội nghị

Kính thưa đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội,
Kính thưa đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Kính thưa các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể các đồng chí.

Được sự đồng ý của lãnh đạo QH, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 7 với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh”.

Kính thưa hội nghị,

Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của QH, HĐND năm 2015, đại biểu HĐND các cấp bằng bản lĩnh, kinh nghiệm đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần hoàn thiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo lập môi trường phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh quốc phòng mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Có thể nói, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua mỗi kỳ họp, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND ngày càng được nâng lên, khẳng định vị thế vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, do đại biểu HĐND vừa phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vừa phải bảo đảm cơ cấu, thành phần nên chất lượng đại biểu còn chưa đồng đều. Tỷ lệ đại biểu HĐND cơ cấu và kiêm nhiệm vẫn còn cao nên có đại biểu chưa dành nhiều thời gian cho các hoạt động của cơ quan dân cử. Một số đại biểu giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Do vậy, khi thực thi trách nhiệm của đại biểu đôi lúc không tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và khó bố trí lịch làm việc cho hoạt động với tư cách đại biểu dân cử.

Một số đại biểu mới tham gia lần đầu còn thiếu các kỹ năng trong việc phát huy vai trò của đại biểu (kỹ năng giám sát, chất vấn, kỹ năng TXCT, trả lời ý kiến của cử tri…); một số đại biểu theo cơ cấu ít có điều kiện để tiếp cận, cập nhật, xử lý thông tin nên chưa thực sự chủ động thực hiện nhiệm vụ. Một số đại biểu còn thiếu bản lĩnh, năng lực để tham gia ý kiến vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; một số đại biểu sự hiểu biết về pháp luật chưa sâu, chưa toàn diện.

Hơn nữa, chế độ đãi ngộ đối với đại biểu HĐND chưa hợp lý, các điều kiện bảo đảm hoạt động như hiện nay chưa đáp ứng được đòi hỏi nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND… Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND chưa cao.

Trước những mặt còn tồn tại, hạn chế như đã nêu ở trên, trong khuôn khổ hội nghị này, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND các cấp nói chung và đại biểu HĐND cấp tỉnh nói riêng, đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi sâu phân tích, trao đổi những kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị những nội dung cụ thể với UBTVQH, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND và các quy định về chế độ, chính sách đối với đại biểu HĐND các cấp.

Kính thưa các vị đại biểu!

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Chính phủ trình QH xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, dự kiến sẽ được xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV. Tại phiên họp thứ 35, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về các nội dung giải trình, tiếp thu của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương như:

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật có nên mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung để quy định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc sáp nhập một số cơ quan nhà nước với một số cơ quan của Đảng; bổ sung quy định về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; phân định rõ tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; bổ sung các quy định về xã hội hóa dịch vụ công, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc?

Về vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền với nhau như thế nào để bảo đảm tính thống nhất với các luật chuyên ngành khác. Có nên nghiên cứu bổ sung thêm các mô hình chính quyền địa phương? Nghiên cứu, hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương như thế nào để phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Hiến pháp năm 2013.

Về nguyên tắc tổ chức của HĐND các cấp, nên giữ nguyên như hiện nay hay sửa đổi, bổ sung để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND? Về việc thực hiện giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp từ 10% đến 15%, có cần rà soát, đối chiếu với Luật Bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND để có sự điều chỉnh tương ứng hay không; có nên đề xuất bổ sung quy định về việc giảm tỷ lệ đại biểu công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước; có nên quy định cụ thể tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách không? Việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có hợp lý không, hay nên giữ nguyên như hiện nay, lý do vì sao?

Dự thảo Luật chưa quy định mối quan hệ và trách nhiệm của UBTVQH với Thường trực HĐND cấp tỉnh, mối quan hệ giữa HĐND các cấp; về thẩm quyền của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp. Việc thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã nhiều địa phương vừa qua đã thành lập, kiến nghị nhưng trong dự thảo không có quy định. Cơ cấu tổ chức của UBND quy định như hiện nay đã hợp lý chưa? Về việc thành lập Bộ máy tham mưu, giúp việc HĐND với mô hình tổ chức như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế? Lý do?

Để bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung Luật khắc phục được những vướng mắc trên thực tế và phù hợp với chủ trương của Đảng, tiếp tục nâng cao chất lượng, vai trò của HĐND, tại hội nghị này, Ban Công tác đại biểu đã chủ động chuẩn bị dự thảo “Luật Tổ chức chính quyền địa phương - những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của HĐND” và đã được Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam gửi đến tất cả các vị đại biểu trước khi tham dự hội nghị. Đề nghị các vị đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, đóng góp trí tuệ, tâm huyết cùng với Ban Công tác đại biểu hoàn thiện dự thảo Văn bản để báo cáo UBTVQH xem xét, nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn!

 TRẦN TÂM lược ghi

_________

 (*) Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt