Đến lúc “hái quả cành cao”

- Thứ Tư, 08/07/2020, 05:15 - Chia sẻ
Gần đây, trong phiên giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh về công tác quản lý các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP), Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết định hướng của thành phố là sẽ đưa các dự án đầu tư kêu gọi đấu thầu công khai, nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư tự đề xuất dự án rồi lại xin chỉ định thầu.

Đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn của TP Hồ Chí Minh và hy vọng cũng sẽ là hướng đi của các địa phương khác. Khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật PPP, trong đó quyết tâm bỏ hình thức BT, những khó khăn về thu hút đầu tư tư nhân cho hạ tầng là điều được báo trước. Nhưng động thái cần thiết này đã tạo áp lực để các địa phương phải thay đổi: Từ bỏ cách làm dễ nhưng hiệu quả thấp, rủi ro thất thoát công sản lớn để chuyển sang cách làm mới, khó hơn nhưng mang lại lợi ích dài hạn lớn cho địa phương.

Tuy nhiên, áp lực sẽ lớn hơn trong bối cảnh sau dịch Covid-19, nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng không chỉ nhằm chuẩn bị điều kiện cho phát triển kinh tế dài hạn mà còn giúp tạo cầu, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong khi PPP vẫn là chính sách ưu tiên cần kiên trì thực hiện trong dài hạn, về mặt ngắn hạn, các địa phương như TP Hồ Chí Minh vẫn còn dư địa chính sách để chủ động thực hiện ngay các giải pháp gỡ những khó khăn này. Đẩy nhanh việc tạo quỹ đất sạch, đấu giá các lô đất đai có giá trị, tạo nguồn thu cho quỹ phát triển cơ sở hạ tầng địa phương để từ đó dùng quỹ này tài trợ vốn cho đầu tư công hay tài trợ dự án PPP là giải pháp khả dĩ có thể cân nhắc.

Quỹ đất có thể đến từ các nguồn như đất quốc phòng dôi dư cần sắp xếp lại, hay sắp xếp lại văn phòng làm việc của các cơ quan công quyền.

Với nhóm đất đai các công sở, việc thực thi nằm ngay trong phạm vi quyết định của địa phương, thông qua cải cách hành chính, cải cách bộ máy. Có thể nói, đây là thời điểm vàng để tăng tốc tiến trình này bởi việc xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng chuyển đổi số vào khu vực công đang diễn ra mạnh mẽ. Một “chính quyền số” giúp hoạt động quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến hiệu quả hơn, bên cạnh đó còn góp phần giảm nhân lực hành chính và giảm bớt nhu cầu về cơ sở vật chất. Khi cơ quan hành chính không còn cần ở “mặt tiền” hay “vị trí đẹp”, đương nhiên có thể chuyển đổi, bán đấu giá trụ sở và cơ sở vật chất để đưa vào quỹ phát triển hạ tầng.

Để có nguồn đất công sắp xếp lại từ nguồn đất quốc phòng sẽ cần có sự đồng hành thực hiện từ cấp độ Chính phủ để hỗ trợ cho các địa phương. Với định hướng lớn “quân đội không tham gia làm kinh tế”, đây là lúc Chính phủ, Bộ Quốc phòng cần tăng tốc việc thực thi sắp xếp lại hoạt động các đơn vị thuộc khối kinh tế quốc phòng. Những khu đất trong nội đô không còn cần thiết giữ cho mục đích quốc phòng cần cho phép chuyển đổi sang mục đích dân sự. Đất chuyển đổi này có thể giao lại cho địa phương, địa phương tiếp tục đấu giá đất để đưa vào quỹ đầu tư hạ tầng. Nếu làm được việc này sẽ tạo ra lợi ích kép: “Đất vàng” được đấu giá công khai, minh bạch sẽ tạo ra quỹ đầu tư phát triển cho địa phương; đồng thời, tài sản đất đai, “đất vàng” đến được đúng tay tư nhân sử dụng hiệu quả nhất sẽ góp phần tối ưu hóa lợi ích kinh tế.

Quả ở cành thấp bao giờ cũng dễ hái và đương nhiên ai cũng muốn hái trước. Cũng như vậy, các nguồn lực dễ khai thác cho phát triển, dù ở cấp độ quốc gia hay cấp độ địa phương - chúng ta đã tận dụng hết và bước vào giai đoạn khan hiếm giống như quả ở cành thấp đã bị “vặt trụi”. Để bước vào một giai đoạn mới, “hái quả cành cao" là lựa chọn duy nhất còn lại. Nhưng để hái quả cành cao cần phải quyết tâm xử lý những thách thức phức tạp hơn. Quốc hội đã sáng suốt khi từ bỏ “quả cành thấp” như BT để tạo áp lực cho các địa phương phải nhanh chóng thay đổi theo hướng phải làm việc khó, phải trở nên hiệu quả hơn. Giải pháp luôn có, nhưng làm được hay không tùy thuộc vào quyết tâm cải cách và đổi mới ở Chính phủ và chính quyền các địa phương.

Nguyễn Quang Đồng Viện

Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông