Bảo hiểm xã hội huyện Gia Bình, Bắc Ninh

Đến từng nhà, rà từng đối tượng

- Thứ Năm, 05/09/2019, 08:00 - Chia sẻ
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động tự do, thu nhập thấp có cuộc sống ổn định khi không còn khả năng lao động. Song, để người lao động có nhận thức đầy đủ về BHXH tự nguyện, cán bộ tư vấn huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã đi tận ngõ, gõ tận nhà và rà từng đối tượng.

Tận tình tư vấn

Theo Giám đốc BHXH huyện Gia Bình Nguyễn Văn Lượng, tính đến ngày 30.6, số người tham gia BHXH tự nguyện là 589 người, tăng 107 người so với tháng 5, tăng 274 người so với cùng kỳ năm trước. Thu BHXH tự nguyện đạt 420.000.000 đồng, luỹ kế từ đầu năm thu đạt 1.733.000.000 đồng tăng 155.000.000 đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 51,82% kế hoạch được giao.

Để đạt được thành tựu trên, BHXH huyện Gia Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BHXH đối với người dân trên địa bàn huyện thông qua hệ thống phát thanh, các đại lý thu, các đoàn thể; phát cẩm nang về chính sách BHXH tự nguyện cho đại lý Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Bưu điện để tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. Song, để đạt hiệu quả cao, cán bộ tư vấn về BHXH đã phải “đi tận ngõ, gõ tận nhà, rà từng đối tượng”.


Chuyên viên Bảo hiểm Xã hội huyện Gia Bình tư vấn bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động tại làng nghề Đại Bái
Ảnh: Thảo Mộc

Anh Bùi Thế Đạt, 44 tuổi, lao động tự do, trú tại địa chỉ xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình chia sẻ, vốn “tù mù” về BHXH tự nguyện nhưng khi được nhân viên BHXH huyện Gia Bình tới tận nhà tư vấn, anh Đạt đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng khoảng 4 triệu đồng/năm.

Nhận thức được BHXH không vì mục đích thương mại, anh Đạt cho biết, tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng cũng như phương thức đóng và không sợ bất cứ rủi ro nào, khác với các loại hình bảo hiểm thương mại khác. “Bản thân tôi không bao giờ nghĩ mỗi ngày tiết kiệm 5.000 đồng, tương đương bó rau ngoài chợ là đã có thể tham gia BHXH, về già lại có lương hưu như công chức, viên chức… Tôi xem đây như khoản tích luỹ cá nhân, để sau này khi già không phải dựa dẫm vào con cái” - Anh Đạt nói.

Là một trong những cán bộ tư vấn năng nổ của BHXH huyện, anh Nguyễn Huy Hoàng cho biết, để có thể vận động được người dân tham gia BHXH tự nguyện, trước tiên phải hiểu về những lo lắng của người dân, xem họ đang cần, đang thiếu những gì. Đơn cử như với lao động tự do, họ thường lo tới tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập, không có tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày hoặc chi phí thuốc thang khi bệnh tật, cũng có không ít người lo về già trở thành gánh nặng cho con cái. Vì thế chúng tôi tập trung tư vấn, giúp người dân hiểu tham gia BHXH tự nguyện chính là giải pháp để giải tỏa nỗi lo đó. Còn đối với đối tượng là người đã từng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng đã nghỉ việc và đến thanh toán BHXH 1 lần, chúng tôi vận động, giải thích để họ hiểu và tiếp tục tham gia BHXH.

“Điều quan trọng là giúp người dân hiểu BHXH tự nguyện là chính sách của Đảng và Nhà nước và không vì mục tiêu lợi nhuận. Khi tham gia BHXH tự nguyện, họ sẽ được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng linh hoạt và được Nhà nước hỗ trợ một phần” - anh Nguyễn Huy Hoàng khẳng định.

Biến khó khăn thành động lực

Theo BHXH huyện Gia Bình, tính đến ngày 30.6, đã có 3 người hưởng chế độ BHXH hàng tháng, trong đó hưởng chế độ hưu trí 1 người, chế độ tử tuất 2 người. Số lượt người hưởng trợ cấp một lần là 38 lượt người, trong đó, trợ cấp BHXH một lần 34 lượt người; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu 1 lượt người; trợ cấp tuất 3 lượt người.

Mặc dù đã xuống từng xã để tư vấn cho người dân nhưng theo cán bộ ngành BHXH tại huyện Gia Bình, không phải khi nào người dân cũng sẵn sàng tham gia, đặc biệt là lao động làm việc tại làng nghề. Qua tiếp xúc với nhiều lao động ở một số làng nghề, hầu hết họ chưa hiểu rõ về BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng, thời gian đóng bảo hiểm đủ 20 năm là thời gian dài và mức hỗ trợ còn thấp.

Đến với gia đình anh Nguyễn Văn Trung, 40 tuổi, chủ cơ sở sản xuất đồ đồng, làng nghề đúc đồng Đại Bái, khi chúng tôi nói muốn tìm hiểu về việc tham gia BHXH tự nguyện của gia đình thì nhận được câu trả lời, cũng không nắm được thông tin gì về BHXH tự nguyện. Anh Trung nghĩ rằng BHXH tự nguyện giống các loại bảo hiểm thương mại khác. “Tôi chưa nghe đến BHXH tự nguyện bao giờ, cũng không rõ mua BHXH tự nguyện có những lợi ích gì so với các loại bảo hiểm thương mại. Những lao động đang làm việc tại đây, hầu hết chưa tham gia BHXH tự nguyện” - anh Nguyễn Văn Trung cho biết.

Theo đại diện BHXH huyện Gia Bình, người lao động ở các làng nghề ít tham gia BHXH tự nguyện còn do công việc thiếu ổn định, thu nhập bấp bênh nên không muốn hàng tháng phải bỏ ra một khoản để đóng. Nhiều người lao động còn liên tục thay đổi công việc và địa bàn nên chưa muốn mua. Để được hưởng chế độ hưu trí, họ phải đóng BHXH tự nguyện trong thời gian ít nhất 20 năm nên nhiều người có tâm lý e ngại.

Nhằm giúp chủ sử dụng lao động và người lao động ở các làng nghề hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, cán bộ BHXH huyện Gia Bình đã xuống tận nơi để tuyên truyền cũng như hướng dẫn thủ tục, cách thức tham gia BHXH, giải đáp những vướng mắc mà người dân đang gặp phải. Sau khi được tư vấn tận tình, anh Nguyễn Văn Trung đã hiểu được những ích lợi mà BHXH tự nguyện mang lại, nhất là sau khi về già có đồng lương hưu trang trải cuộc sống.

“Tôi sẵn sàng chia sẻ và vận động người lao động cũng như bạn bè, người thân của mình tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, cân nhắc mức đóng phù hợp với tình hình kinh tế của gia đình” - anh Nguyễn Văn Trung khẳng định. 

Thảo Mộc