Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý

Đi đầu trong công tác cải cách hành chính

- Thứ Bảy, 12/10/2019, 08:20 - Chia sẻ
Để khẳng định vị thế quan trọng của chính sách BHXH, BHYT giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, công tác cải cách hành chính được xác định là bước đột phá trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh; đặc biệt, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả việc cải cách hành chính. Đó là khẳng định của Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Đồng Nai PHẠM MINH THÀNH.

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

- BHXH Đồng Nai đã áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào mô hình quản lý cũng như cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn như thế nào, lợi ích mô hình này đem lại đạt hiệu quả ra sao, thưa ông?

- Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh về cải cách thủ tục hành chính, BHXH Đồng Nai tích cực chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện cải cách TTHC trong đó tập trung cải tiến quy trình giải quyết hồ sơ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của viên chức; nâng cao chất lượng giao dịch điện tử, tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua bưu điện; triển khai tin học hóa khám, chữa bệnh BHYT…


Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành - Ảnh: Tiến Dũng

Tổng số TTHC của ngành BHXH tiếp tục được cắt giảm từ 28 xuống còn 27 thủ tục (Mức độ 2: 9 thủ tục; Mức độ 3: 6 thủ tục; Mức độ 4: 12 thủ tục). Hiện nay, các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của BHXH tỉnh đều được thực hiện trên phần mềm, giúp cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo được chính xác và kịp thời. Thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH; triển khai phần mềm giám định BHYT bảo đảm quyền lợi cho nhân dân và quản lý quỹ BHYT đạt hiệu quả; 100% các đơn vị sử dụng lao động và cơ sở khám chữa bệnh BHYT đều thực hiện giao dịch điện tử.

- BHXH Đồng Nai là một trong những đơn vị nhóm đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc ứng dụng CNTT, đồng bộ dữ liệu cấp mã số BHXH cho gần 2,5 triệu người tham gia trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, còn nhiều người lao động chưa biết hoặc còn thắc mắc về cách tra cứu. Vậy BHXH tỉnh có sự phối hợp như thế nào với các đơn vị trên địa bàn để giải quyết tình trạng trên, thưa ông?

- Đến nay, hệ thống mã số BHXH đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu và đưa vào sử dụng từ 2016 - 2017. Cụ thể, việc tra cứu được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng ban hành văn bản hướng dẫn tra cứu mã số BHXH gửi cho cơ quan, đơn vị doanh nghiệp để thông báo cho người lao động được biết và phối hợp với đơn vị, doanh nghiệp bổ sung thông tin số điện thoại di động của người lao động vào hệ thống quản lý thu.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam có chương trình truyền thông trên mạng xã hội, sóng truyền hình thông tấn, các báo, tạp chí BHXH, tờ rơi... để phổ biến, hướng dẫn cách tra cứu mã số BHXH. Trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh cung cấp Công cụ tra cứu phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với rất nhiều nội dung như tra cứu quá trình tham gia BHXH; tra cứu giá trị sử dụng Thẻ BHYT; tra cứu bảo hiểm thất nghiệp; tra cứu điểm thu, đại lý thu…

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn cung cấp 7 dịch vụ tin nhắn trong lĩnh vực BHXH, BHYT thông qua đầu số 8079. Đây là những dịch vụ nhằm công khai, minh bạch quá trình đóng - hưởng chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho cả người sử dụng lao động và người lao động.

Giao dịch được bảo mật

- Được biết, ứng dụng CNTT vào giao dịch điện tử rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục kê khai tham gia BHXH, các đơn vị không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ, đăng ký mà có thể chủ động về thời gian. Tuy nhiên còn có những lỗ hổng về sự cố an toàn thông tin. Là đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT này, BHXH tỉnh có gặp khó khăn hay sự cố gì không, thưa ông?

- Về giao dịch điện tử BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, hiện nay đều thực hiện qua Cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam (quản lý và vận hành). BHXH Việt Nam không ngừng đầu tư, đổi mới về công nghệ, xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ (trung tâm dữ liệu ngành, hệ thống mạng WAN kết nối toàn ngành, các đơn vị tư vấn về CNTT (Teca, vnpt, Viettel) để bảo đảm an toàn thông tin trong thực hiện giao dịch điện tử.

Việc gửi, truyền, nhận, trao đổi thông tin về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH phải được bảo mật theo Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH có trách nhiệm bảo đảm tính an toàn, bảo mật, chính xác và toàn vẹn của dữ liệu điện tử; có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để bảo đảm tính bảo mật, an toàn của hệ thống.

Ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng Trung tâm điều hành hệ thống CNTT với Đội ngũ cán bộ có trình độ cao vận hành và xử lý sự cố trực 24/24 giờ; Triển khai nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng về an toàn thông tin; Tham gia Mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia, phối hợp với các cơ quan chuyên trách về an toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông; Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính Phủ để phát hiện, xử lý sự cố an toàn thông tin.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thúy thực hiện