Đi lên từ vốn vay giải quyết việc làm

- Thứ Tư, 04/09/2019, 09:05 - Chia sẻ
Trong những năm vừa qua, nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mà đời sống của bà con các huyện vùng sâu, vùng xa tỉnh Thái Nguyên có sự đổi thay đáng kể. Từ những đồng vốn ấy, hàng nghìn hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, nhiều hộ còn trở thành chủ các cơ sở sản xuất, đóng góp vào nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.

Sử dụng hiệu quả đồng vốn

Gia đình bà Vũ Thị Hạnh, xóm Tướng Quân, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ là một trong những hộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện. Theo bà Hạnh, nhờ nguồn vốn của NHCSXH Thái Nguyên mà 3 người con của bà đã được học đại học; xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh.

Không dừng ở đó, nguồn vốn ưu đãi này còn giúp gia đình bà Hạnh thành lập được trại chăn nuôi gà. Đến nay, sau gần hai năm đầu tư, trại gà của bà Hạnh đã lên tới 10 nghìn con. “Công việc chăn nuôi cũng hay gặp rủi ro. Tuy nhiên, gia đình tôi không vì thế mà nản lòng; vừa nuôi, vừa tìm tòi học hỏi các kỹ thuật phòng tránh dịch bệnh… Tháng 7, vừa rồi tôi đã xuất bán được 2 lứa gà; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 100 triệu đồng. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ xuất bán được 2 lứa gà nữa” - bà Hạnh cho biết.


Trại gà của bà Hạnh với quy mô trên 10.000 con

Giống như gia đình bà Hạnh, gia đình anh Vũ Trí Long ở xóm 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ cũng là một trong những hộ dân được tiếp cận với nguồn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện. Chia sẻ với phóng viên, ông Long cho biết, gia đình ông vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Đồng Hỷ từ năm 2001 với số tiền vỏn vẹn 3 triệu đồng để thoát nghèo. Nhờ nguồn vốn này, gia đình ông Long mua bò và trồng cỏ voi để phát triển kinh tế. Với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm, nên chỉ hai năm sau, từ một hộ nghèo, gia đình ông Long đã có kinh tế khá ổn định tại địa phương. Tới năm 2009, số lượng đàn bò đã lên tới hàng chục con, giá trị thời điểm đó khoảng 400 triệu đồng.

Cũng từ năm 2009, ông bắt tay vào nuôi lợn rừng, có thời điểm lên tới vài trăm con và năm 2011 bắt đầu nuôi hươu, đồng thời phát triển trồng chè đặc sản của địa phương. Không chỉ thoát nghèo, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Long còn góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng hơn chục lao động với thu nhập tương đối ổn định. Với việc phát triển chăn nuôi, kết hợp trồng trọt, hiện mỗi năm gia đình ông Long đã thu về khoản lợi nhuận 250 - 300 triệu đồng. Ông Long chia sẻ, “là người trực tiếp khởi nghiệp từ nguồn vốn vay tạo việc làm từ NHCSXH, tôi thấy nguồn vốn rất hiệu quả. Người nông dân, muốn phát triển kinh tế phải có nguồn vốn vay ưu đãi, với thời hạn dài thì mới đủ quay vòng vì đến năm thứ 3 trồng chè mới cho thu hoạch”.

Hiện nay, với mức vay 50 triệu đồng, thời hạn vay 5 năm, đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chẳng hạn trước đây ở thị trấn Sông Cầu, nông dân chỉ đơn thuần trồng chè trung du giá trị kinh tế thấp, giờ được hỗ trợ nguồn vốn nhiều hộ đã chuyển sang trồng chè lai cho giá trị kinh tế cao. “Vì thế, chúng tôi luôn mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình” - Ông Long cho biết.

Nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng chia sẻ, vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Kể từ khi chương trình vốn vay giải quyết việc làm được thực hiện đến nay đã giúp cho hàng nghìn gia đình ở các huyện thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hàng năm, NHCSXH huyện xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn cho các xã, thị trấn. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB và Đoàn Thanh niên tại các huyện thực hiện tốt công tác hướng dẫn, thẩm định, quản lý và điều hành cho vay vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Cũng theo ông Hồng, để quản lý tốt nguồn Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ các ngành, đoàn thể trong việc ủy thác, hướng dẫn thủ tục bình xét đối tượng vay vốn. Ngân hàng tiến hành giải ngân cũng như thu hồi vốn và lãi tại các điểm giao dịch vào các ngày cố định trong tháng, tạo thuận lợi cho người vay vốn tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Định kỳ hàng tháng, cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH các huyện kiểm tra tình hình vốn cho vay, tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn vay để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, Ngân hàng còn phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn hạn chế, hàng năm ngân sách trung ương, tỉnh, huyện bổ sung cho nguồn vốn này rất ít, chủ yếu quay vòng vốn cũ; trong khi nhu cầu vay vốn trên thực tế của người dân rất lớn nên chưa đáp ứng được việc vay vốn của đại bộ phận người dân. Bên cạnh đó, mức cho vay tuy đã được điều chỉnh lên 50 triệu đồng/hộ, song theo nhiều hộ dân phản ánh thì vẫn còn thấp so với thực tế nhu cầu cần vốn đầu tư, nhất là những hộ đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa…

Ông Hồng cho rằng, trong thời gian tới NHCSXH cấp Trung ương cần có nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn hơn nữa để giúp cải thiện đời sống bà con ở nông thôn, nâng cao sản xuất và ổn định kinh tế và giải quyết vấn đề lao động tại địa bàn. 

Bài và ảnh: Tùng Dương